Tam Thanh Nhất Thể - Nhất Khí Hóa Tam Thanh

Chủ nhật, 25/02/2024, 09:07 GMT+7

Đạo giáo lấy Đại Đạo làm tông cội, lấy Đại Đức làm khuôn mực noi theo hầu lũy tiến trên hành trình tu học của mình. Với những trí tri căn bản nhất, ta vẫn thường nghe đến danh hiệu Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn gồm: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn - ứng ngôi Đạo Bảo, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn - ứng ngôi Kinh Bảo, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn - ứng ngôi Sư Bảo. Dẫu Thiên Tôn nhiều danh hiệu, cư trú nhiều cung khuyết, thuyết giảng chư phẩm kinh điển, song ta vẫn thường tâm niệm: Tam Thanh nhất thể - Tam Thanh là Đạo vậy!

Nguồn: Long Môn

Đạo Đức Kinh viết: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn Vật”. Đó là câu nói kinh điển nhất đại biểu cho hình tượng “nhất khí hóa Tam Thanh”, Tam Thanh tức Đạo vậy! Song, phải lưu tâm rằng mối tương quan giữa Tam Thanh vô cùng linh diệu, trong khả năng tri thức con người khó lòng trí tri toàn diện đến khánh kiệt tỏ tường. Trong các kinh điển nơi Đạo Tạng, phần đa bản văn hầu như không nói rõ ràng về mối tương quan “tuy ba mà một” giữa Tam Thanh Thiên Tôn, hầu như chỉ là những “dấu hiệu” để chúng nhân suy ngẫm.

Trong “Vô Thượng Cửu Tiêu Ngọc Thanh Đại Phạm Tử Vi Huyền Đô Lôi Đình Ngọc Kinh” thuật lại câu chuyện vô cùng hình tượng, ý nhị lý giải tương quan giữa Nguyên Thủy Thiên Tôn, Ngọc Thần Đạo Quân và Vô Thượng Lão Quân. Chuyện ấy vốn phải kể từ thời Tổ Kiếp, thuở Long Hán Nguyên Niên, lúc Âm-Dương chưa phân định, Thiên-Địa hỗn dung, Trời bất phân Nam-Bắc, Đất chẳng rõ Tây-Đông. Câu chuyện cũng cho biết thêm rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn lúc này ngự tại nơi Hạo Đình Tiêu Độ Thiên, cùng Thiên Chủ (Ngọc Đế) và thập phương chúng Thánh để thuyết rõ lẽ Hỗn Độn khôn cùng, cũng tức là Hỗn Nguyên Đại Đạo vậy. Khi nghe chuyện này, hãy để ý đại từ nhân xưng của từng vị Thiên Tôn.

Lúc này, Lão Quân nói với Nguyên Thủy Thiên Tôn rằng: “Tôi từ vô thủy kiếp, chẳng rõ trồng được thiện căn chi, chẳng tỏ tu lấy thiện quả gì, mà có thể siêu lăng tam giới, đến được Ngọc Thanh, trở thành thầy của Trời-Người, khiến tam giới đều tuân hành. Vốn Tôi nương nhờ Đại La Nguyên Thủy mà hóa, lại nhờ nguồn linh phong từ Thượng Thanh Linh Bảo mà hiện, thật muôn kiếp khó ngộ, quả điều khánh hạnh thiên cổ vậy…!”

Lão Quân chưa kịp dứt câu, Nguyên Thủy Thiên Tôn đã nói: “Khanh chớ nên khiêm nhường, Ngọc Thần Đạo Quân có thể khai trần tỏ rõ, Khanh hãy lắng nghe”. Được lời vàng ngọc, Linh Bảo Thiên Tôn bèn nói: “Khanh được vào ngôi Thái Thanh, ở vào Đại Hữu Đình, khiến trời người đều chiêm ngưỡng, long thần phải nương uy, Ngũ Đế phải củng bái, vạn tiên phải nghênh mừng, Khanh lại chẳng lấy làm vinh, mà nay khiêm cung vô cùng. Trẫm nay vì Khanh mà trần tình tỏ rõ, Khanh hãy nghe rằng”. Lão Quân lúc này nói: “Trẫm có Nguyên Thủy là cha, có Ngọc Thần là huynh, không cần nói tỏ cũng thấu tường, Trầm đã hiểu thấu, thật chẳng phiền Ngọc Thần giải thích”.

Nguyên Thủy, Ngọc Thần, Lão Quân đều tự xưng “Trẫm” và gọi người đối diện là “Khanh”. “Trẫm – Khanh” dành cho bậc quân vương nói cùng quần thần. Có thể thấy, lúc Nguyên Thủy là “trẫm”, lúc Ngọc Thần là “trẫm”, lúc lại là Lão Quân. Mỗi vị đều tự xưng “Trẫm” đã tỏ rõ Tam Thanh là bậc đứng đầu, tể chế vạn hóa, tông cội vạn vật. Song, ý nghĩa to lớn nhất muốn tỏ rõ rằng ba vị chính là một, cùng xưng “Trẫm”, cùng gọi “Khanh”, cùng do Đại Đạo hiển hiện. Tam Thanh là đại diện trọn vẹn nhất của Đại Đạo vậy!

Trong lời Lão Quân, Ngài nói: “Trẫm có Nguyên Thủy là cha, có Ngọc Thần là huynh, không cần nói tỏ cũng thấu tường”. Tại sao ban đầu Lão Quân “không biết”, nay Đạo Quân chưa khai trần, hà cớ Lão Quân “đã tỏ”? Lời Lão Quân tuy “từ chối” lời giải thích, nhưng đích thị khẳng định: “Tôi được ngôi Thái Thanh, căn do vì hiển diện của Đại Đạo, là một với Nguyên Thủy và Đạo Quân”. Câu chuyện Lão Quân “chẳng biết” chỉ là phép hình tượng, giả định câu chuyện giữa chúng Thánh để tỏ ý về mối tương quan kì diệu giữa Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn. Há chăng Chí Chân Sư Bảo mà không tỏ việc này ru?

Trong bản văn, nhất là đoạn Lão Quân đáp “Nguyên Thủy là cha, Ngọc Thần là huynh”, ta phải thừa nhận trong mặt hóa sinh, tức về ngôi vị, Nguyên Thủy Thiên Tôn có thể trội vượt trội vượt hơn Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn. Song, về mặt bản thể, Tam Thanh ngang nhau, Tam Thanh nhất thể, là hiện diện trọn hảo của Đại Đạo. Nếu ta hình tượng hóa Đại Đạo, có thể tế nhị nhìn nhận Nguyên Thủy Thiên Tôn là thể Đạo, Linh Bảo Thiên Tôn là “Lời của Đạo”, một bên chủ thể, một bên hành động. Song, nếu xét thêm Đạo Đức Cao Tôn, khó lòng sắp xếp cho tri thức một cách tường tận. Bởi vậy, “Tam Thanh nhất thể” hay “Nhất khí hóa Tam Thanh” là một diệu lý, trong giới hạn khả năng tri thức con người, bất khả tri, bất khả luận giải.

Tam Thanh là hiển hiện trọn hảo của Đại Đạo. Nói vậy chẳng phải Đại Đạo chia ba, gộp ba thì thành Đạo. Một người tín nhận Đạo giáo, phải nắm rõ nguyên lý rằng: Nguyên Thủy là Đạo, Linh Bảo là Đạo và Lão Quân là Đạo. Nhiệm lý cao siêu khó lòng nói bằng ngôn từ để rốt ráo. Lại nữa, nếu ba vị hiển hiện trọn hảo của Đại Đạo, vậy có chăng có một vị thần thánh nào khác, to lớn hơn Tam Thanh? Phải khẳng định rằng: Không! Chỉ có duy nhất một Đại Đạo, và đó là Tam Thanh, tuy ba mà một, tuy một mà ba. Huyền Đạo thâm sâu khôn cùng, khó lòng thấu tận, nên Tam Thanh là hình tượng biểu trưng Đạo Đạo, để chúng nhân có thể “khả tri”, có thể biết đến Đấng Bản Nguyên, hiểu được phần nào Chân Lý của mọi chân lý.

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn