Theo Thái Thượng Lão Quân khai thiên kí 太上老君开天记:
Trước khi trời đất phân chia, thế giới ở vào trạng thái hư vô tịch mịch, trên không có trời, dưới không có đất, không có mặt trời, cũng không có mặt trăng; không có việc phân chia tính chất âm dương của sự vật, cũng không có sự sai biệt phương vị trên dưới đông tây nam bắc của vật thể; không có sự sinh thành của vật thể, cũng không có sự tử vong của vật thể; không có sự biến hoá tính chất lớn nhỏ vuông tròn của vật thể, cũng không có sự khu biệt màu sắc vàng đỏ trắng đen; chỉ có Thái Thượng Lão Quân ở trong khoảng không huyền hư tịch mịch.
thai-thuong-lao-dao-toẢnh internet
Thái Thượng Lão Quân là hoá thân của Đạo, ông có thể hoá sinh thiên địa vạn vật, cũng có thể quyết định sự biến hoá vận động của thiên địa vạn vật. Trước khi thiên địa vạn vật sản sinh, tuy cái gì cũng nhìn không thấy, nghe không được, nhưng Thái Thượng Lão Quân vẫn đang tồn tại, và sống rất ung dung tự tại. Cuộc sống của Thái Thượng Lão Quân, người phàm như chúng ta không thể nào so sánh, năng lực, của ông ta chúng ta cũng khó mà tưởng tượng, ông ta có thể thiên biến vạn hoá, lai khứ tự như, muốn ở chỗ nào thì sẽ ở chỗ đó, muốn thiên địa vạn vật như thế nào thì thiên địa vạn vật sẽ như thế đó. Thêm vào đó, ông ta lại trường sinh bất tử, ông ta qua một ngày tương đương chúng ta qua nhiều năm.
Trước khi thiên địa vạn vật sản sinh, trên thế giới chỉ có một người, ông ta cũng không biết làm những gì. Cứ như thế qua đi chín chín tám mươi một vạn năm, Thái Thượng Lão Quân cảm thấy thực tại quá tịch mịch, không có gì thú vị, đáng xem, cũng không có ai bầu bạn, vì thế ông liền nghĩ ra một việc: sáng tạo ra một số thứ.
Đầu tiên, Thái Thượng Lão Quân từ trong hư không xuống, từ miệng thở ra bộ Khai thiên kinh 开天经, bộ kinh này có 48 vạn quyển, mỗi quyển có 48 vạn chữ, từng chữ từng chữ lớn nhỏ vuông tròn đến 100 dặm. Cùng theo bộ Khai thiên kinh hiện ra, hình dáng của vũ trụ cũng xuất hiện. Sản sinh đầu tiên là vật sớm nhất của vũ trụ, thứ này có tên là “thái sơ” 太初. Thái sơ là loại khí có thể cấu thành các loại vật thể, tương đương với hạt nhỏ nhất mà hiện tại chúng ta nói đến. Hạt thái sơ rất nhỏ, mắt trần căn bản không nhìn thấy, nó còn nhỏ hơn nguyên tử mà khoa học hiện đại phát hiện, có khả năng tương đương với hạt cơ bản. Nhân vì thái sơ quá nhỏ, cho nên sau đó lại tụ hợp lại thành “thái thuỷ” 太始 tương đối lớn. Do bởi thái thuỷ lớn hơn thái sơ, cho nên trong lúc vận động, nó có thể khiến người ta nhìn thấy sự biến hoá hình tượng của nó. Về sau thái thuỷ lại tụ họp thành “thái tố” 太素, từ vật thể mà thái tố cấu thành có thể nhìn thấy chất của nó, trở thành thứ nhìn thấy được, sờ thấy được. Đến lúc này, thiên địa vạn vật có hình có dạng bắt đầu xuất hiện trong vũ trụ. Khí trong và nhẹ bay lên biến thành các loại vật thể trên không; khí đục và nặng giáng xuống cấu thành các loại vật thể trên mặt đất. Như vậy trên trời đã có mặt trời, mặt trăng, cùng tinh tú, trên đất đã có sông núi cỏ cây, phi cầm tẩu thú. Nhưng trong trời đất chỉ có mặt trời mặt trăng sông núi cỏ cây, phi cầm tẩu thú mà không có con người. Về sau Thái Thượng Lão Quân trên lấy thiên tinh, dưới lấy địa tinh, đem chúng hợp lại thành và cho chúng linh khí, thế là con người được sản sinh. Sau khi con người sinh ra, sự khai sáng thế giới coi như đã hoàn thành.
Đạo giáo cho rằng: các vật thể đều do khí biến hoá mà ra, nhưng khí cấu thành vật thể khác nhau thì cũng không giống nhau. Loại từ khí chất phác sản sinh là núi sông và đá không thể động; loại từ động khí có động năng sản sinh là những động vật phi cầm tẩu thú, còn con người thì do tinh khí tinh hoa của vạn vật sản sinh, cho nên trong thiên địa vạn vật, con người là quý nhất. Sau đó Thái Thượng Lão Quân lại thở ra các loại khí khác, hoá sinh các loại sự vật nhân gian, để cung cấp cho con người dưỡng sinh. Và sau nữa, ông lại tạo ra nhiều Đạo kinh để con người học dưỡng sinh tu đạo thành tiên.
Huỳnh Chương Hưng ( Việt dịch)
Quy Nhơn 13/5/2016
Nguyên tác Trung văn
THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN KHAI THIÊN KÍ
太上老君开天记
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002.