Niên Sơ An Thái Tuế, Niên Mạt Tạ Thái Tuế

Thứ năm, 15/02/2024, 22:29 GMT+7

Trị niên thái tuế là thần chưởng quản họa phúc nhân gian trong một năm, là những vị "suất lĩnh các thần, thống chính phương vị, oát vận thời tự, tổng tuế thành công", nghĩa là đảm đương việc trông nom các thần, quản phương vị thời vận, sự việc hanh thông trong một năm

Nguồn: Long Môn

Thái Tuế Chú

Theo quan niệm dân gian, các việc làm lớn như xây dựng cung khuyết, tu sửa trạch xá, thường tránh phạm vào Thái Tuế. Những vị này được gọi là Lục Thập Giáp Tử Thần, hay Thái Tuế Tinh Quân, đơn giản hơn là Tuế Quân. Thái Tuế có nhiều truyền thống để xét, khi là Tinh Quân, khi là Sát thần thuộc dòng Địa thần. Thái Tuế đích thị Mộc tinh, vì sao Mộc cứ 12 tháng quay quanh mặt trời tròn một vòng nên người xưa gọi là Tuế Tinh hay Thái Tuế. 
“Nguyệt lệnh quảng nghĩa” nói: “Thái tuế giả, chủ tể nhất tuế chi tôn thần. Phàm cát sự vật trùng chi, hung sự vật phạm chi. Phàm tu tạo phương hướng đẳng sự vưu nghi thận tị”. Thái Tuế là thần quản một năm, phàm việc cát, hung, tu tạo, kiến thiết đều có liên can. Cho nên cần thận trọng suy xét, không được bất cẩn.

Danh hiệu 60 vị Thái Tuế lần lượt là: 1. Giáp Tý Thái Tuế Kim Biện Đại Tướng Quân; 2. Ất Sửu Thái Tuế Trần Lâm Đại Tướng Quân; 3. Bính Dần Thái Tuế Cảnh Chương Đại Tướng Quân; 4. Đinh Mão Thái Tuế Trầm Hưng Đại Tướng Quân; 5. Mậu Thìn Thái Tuế Triệu Đạt Đại Tướng Quân: 6. Kỷ Tị Thái Tuế Quách Xán Đại Tướng Quân; 7. Canh Ngọ Thái Tuế Vương Thanh Đại Tướng Quân; 8. Tân Mùi Thái Tuế Lý Tố Đại Tướng Quân; 9. Nhâm Thân Thái Tuế Lưu Vượng Đại Tướng Quân; 10. Quý Dậu Thái Tuế Khang Chí Đại Tướng Quân; 11. Giáp Tuất Thái Tuế Thi Quảng Đại Tướng Quân; 12. Ất Hợi Thái Tuế Nhậm Bảo Đại Tướng Quân; 13. Bính Tý Thái Tuế Quách Gia Đại Tướng Quân; 14. Đinh Sửu Thái Tuế Uông Văn Đại Tướng Quân; 15. Mậu Dần Thái Tuế Tằng Quang Đại Tướng Quân; 16. Kỷ Mão Thái Tuế Long Trọng Đại Tướng Quân; 17. Canh Thìn Thái Tuế Đổng Đức Đại Tướng Quân; 18. Tân Tị Thái Tuế Trịnh Đãn Đại Tướng Quân; 19. Nhâm Ngọ Thái Tuế Lục Minh Đại Tướng Quân; 20. Quý Mùi Thái Tuế Ngụy Nhân Đại Tướng Quân; 21. Giáp Thân Thái Tuế Phương Tra Đại Tướng Quân; 22. Ất Dậu Thái Tuế Tưởng Sùng Đại Tướng Quân; 23. Bính Tuất Thái Tuế Bạch Mẫn Đại Tướng Quân; 24. Đinh Hợi Thái Tuế Phong Tế Đại Tướng Quân; 25. Mậu Tý Thái Tuế Trâu Thang Đại Tương Quân; 26. Kỷ Sửu Thái Tuế Phan Tá Đại Tướng Quân; 27. Canh Dần Thái Tuế Ổ Hoàn Đại Tướng Quân; 28. Tân Mão Thái Tuế Phạm Ninh Đại Tướng Quân; 29. Nhâm Thìn Thái Tuế Bành Thái Đại Tướng Quân; 30. Quý Tị Thái Tuế Từ Đan Đại Tướng Quân; 31. Giáp Ngọ Thái Tuế Chương Từ Đại Tướng Quân; 32. Ất Mùi Thái Tuế Dương Tiên Đại Tướng Quân; 33. Bính Thân Thái Tuế Quản Trọng Đại Tướng Quân; 34. Đinh Dậu Thái Tuế Đường Tra Đại Tướng Quân; 35. Mậu Tuất Thái Tuế Khương Võ Đại Tướng Quân; 36. Kỷ Hợi Thái Tuế Tạ Thái Đại Tướng Quân; 37. Canh Tý Thái Tuế Lư Bí Đại Tướng Quân; 38. Tân Sửu Thái Tuế Dương Tín Đại Tướng Quân; 39. Nhâm Dần Thái Tuế Hạ Ngạc Đại Tướng Quân; 40. Quý Mão Thái Tuế Bì Thời Đại Tướng Quân; 41. Giáp Thìn Thái Tuế Lý Thành Đại Tướng Quân; 42. Ất Tị Thái Tuế Ngô Toại Đại Tướng Quân; 43. Bính Ngọ Thái Tuế Văn Triết Đại Tướng Quân; 44. Đinh Mùi Thái Tuế Mậu Bính Đại Tướng Quân; 45. Mậu Thân Thái Tuế Từ Hạo Đại Tướng Quân; 46. Kỷ Dậu Thái Tuế Trình Bảo Đại Tướng Quân; 47. Canh Tuất Thái Tuế Nghê Bí Đại Tướng Quân; 48. Tân Hợi Thái Tuế Diệp Kiên Đại Tướng Quân; 49. Nhâm Tý Thái Tuế Khâu Đức Đại Tướng Quân; 50. Quý Sửu Thái Tuế Chu Đắc Đại Tướng Quân; 51. Giáp Dần Thái Tuế Trương Triều Đại Tướng Quân; 52. Ất Mão Thái Tuế Vạn Thanh Đại Tướng Quân; 53. Bính Thìn Thái Tuế Tân Á Đại Tướng Quân; 54. Đinh Tị Thái Tuế Dương Ngạn Đại Tướng Quân; 55. Mậu Ngọ Thái Tuế Lê Khanh Đại Tướng Quân; 56. Kỷ Mùi Thái Tuế Phó Thưởng Đại Tướng Quân; 57. Canh Thân Thái Tuế Mao Tử Đại Tướng Quân; 58. Tân Dậu Thái Tuế Thạch Chính Đại Tướng Quân; 59. Nhâm Tuất Thái Tuế Hồng Sung Đại Tướng Quân; 60. Quý Hợi Thái Tuế Ngu Trình Đại Tướng Quân.

60 vị thái tuế

Theo một số văn hiến Đạo giáo, Lục Thập Thái Tuế do Ân Nguyên Soái thống suất. Thái Tuế Thống Lĩnh Ân Nguyên Soái hay Địa Ti Thái Tuế Ân Đại Thiên Quân, cư tại Bắc Đế Địa Ti Củ Sát Ti, được tôn xưng là "Chính Tướng Địa Ti Thái Tuế", "Địa Ti Đãng Hung Viện Đô Lôi Sát Phạt Chủ Soái", "Thần Thông Mạc Trắc Thiên Tôn". Toàn xưng Ân Nguyên Soái là“Bắc Cực Ngự Tiền Hiển Linh Thể Đạo Trợ Pháp Quắc Tinh Diệt Ma Địa Ti Thái Tuế Chủ Lại Chí Đức Ân Nguyên Soái” hoặc “Thượng Thanh Tam Giới Du Dịch Ti Bắc Đế Ngự Tiền Chưởng Quản Thiên Tinh Địa Diệu Thống Sát Lôi Vương Đô Thiên Bách Giải Thái Tuế Chí Đức Võ Quang Thượng Tướng Ân Nguyên Soái”. Ngài là một lôi tướng quan trọng trong Lôi Pháp Đạo giáo. 

Ân Nguyên Soái là vị Tuế Quân thường mang hình tướng hung dữ. Ân Tướng Quân có thầy là Thân Chân Nhân - tức Địa Ti Khải Giáo Tổ Sư Kim Đỉnh Diệu Hóa Chấp Pháp Thân Chân Nhân Hà Nhương Tai Khước Họa Thiên Tôn (Cửu Thiên Thông Khí Thiên Tôn). Nguyên soái thống quản Địa Ti Đãng Hung Viện, Phó Soái Thông Linh Cấp Tróc Tưởng Duệ Sứ Giả, Hoàng Việt Kim Chung Đại Tướng, Hoàng Phan Báo Vĩ Đại Tướng, Thất Thập Nhị Hầu Chủ Tướng, Nhị Thập Tứ Khí Đại Tướng, Thiên Khai Địa Khoát Nhật Nguyệt Giao Hợp Đại Tướng, Thái Tuế Thần Quân,… Trong “Ân Soái Kỳ Thỉnh Chú” - thần chú ngưỡng thỉnh Ngài gia hộ có câu: “Nhị Thập Tứ Khí vi quân sứ, Thất Thập Nhị Hầu thuận Thánh hành. La Lý nhị tướng hướng tiền hành, Hoàng Phan Báo Vĩ cẩn tùy thân”. 

Trong Đạo Pháp Hội Nguyên - Thiên Tâm Địa Ti Đại Pháp có nói về Ân Thiên Quân rằng: “Thượng cổ đế tử, ngộ đạo thành chân, công cao sở trứ, biến hóa nan lượng. Thượng Đế dĩ kỳ hữu thần thông chi lực, ủy hàng phục tinh sát, phổ tế lê thứ”. Thiên Quân là con vua đời thượng cổ, ngộ Đạo thành Chân, công hành vô cùng, biến hoá vô lượng. Sau, Thiên Quân được Ngọc Đế tứ ban, uỷ thác việc hàng phục tinh sát, phổ cứu lê dân. Trong “Thượng Thanh Võ Xuân Liệt Lôi Đại Pháp” đề cập tường minh thêm về Ân Thiên Quân rằng: “Thập thế tu hành vi thái tử, nhất lạp kim đan thành chính chân, thiên tinh địa dược quy huy hạ, thổ hoàng ôn dịch phục khu trì. Trung hiếu bất vi phạt bạn nghịch, Đế tứ chung việt trảm yêu tinh.” Theo đó, Ngài mười thế tu hành là thái tử, đắc một kim đan mà thành chính chân. Nơi Ngài, Thiên Tinh, Địa Dược đều quy phục, Thổ Hoàng, Ôn Dịch thảy tuân thủ theo sự khu khiển. Ân Nguyên Soái cũng hằng quán sát kẻ trung hiếu cho đến phản nghịch hòng thí giáng thưởng phạt, lại được Ngọc Đế tứ ban chuông thần tru diệt tà linh. 

Đầu năm, một số đạo quán hoặc dân gian hay có tục Bái Thái Tuế (An Thái Tuế) nhằm cầu một năm bình an thuận lợi. Cuối năm, họ Tạ Thái Tuế để tri ân sự phu hựu của thần linh. Dân gian nói: “Niên sơ an thái tuế, niên mạt tạ thái tuế”, nghĩa là đầu năm An Thái Tuế, cuối năm Tạ Thái Tuế. An-Tạ Thái Tuế là cách con người bày tỏ lòng tôn kính, hữu thuỷ hữu chung, biết trước biết sau, cảm tạ thần minh đã phu hựu cho năm qua. Người ta tin nhận rằng khi phạm Thái Tuế, họ sẽ gặp phải những điều không tốt như tranh cãi, lụi bại về sức khỏe, tiền tài, sự nghiệp. Đồng thời, con người tin rằng sau khi làm lễ Thái Tuế một cách thành tâm và thực hành các việc thiện lành, có thể giúp bản thân vượt qua một năm an toàn, suôn sẻ. Hơn hết, tâm thức con người tin rằng sự thuận lợi đó phần nhiều đến từ ân điển thần linh phu hựu. Thảy thảy đó đều là minh chứng sống động cho nét nghĩa “trước sau vẹn toàn”, đầu năm an Thái Tuế, cuối năm tạ Thái Tuế và cũng chính là lẽ hàm nghĩa tri ân với Trời Đất. 

Con người tri thức rất rõ rằng đời có lúc thăng hoa, có khi đoạ lạc, khi vơi, khi đầy. Mỗi lúc lạc bước trên nẻo đường thứ lữ, ta biết đâu là bến bờ nương tựa? Chả nghe đến câu “Hữu thống hô thiên, cái nhân tâm chí chí lý” - có khổ kêu trời, ấy chí lý nhân tâm ư? Phạm Thái Tuế, hình Thái Tuế, trị Thái Tuế, xung Thái Tuế hay hại Thái Tuế không phải là Trời Đất vô tâm giáng hoạ nhân gian để triền buộc con người trong sự sợ hãi và yêu cầu cung phụng. Ta phải hiểu những tai ách trong đời mình đến từ hai phía: (1) nhân quả của tội chướng gây nên, tuỳ theo vận hạn mà tai ách đến hoặc (2) là những chiêu cảm “vạ gió tai bay” của kiếp phù sinh. Tất cả khó khăn, vất vả là lời nhắc nhở sống động để ta thấu hiểu thêm về giới hạn kiếp người, về “cử đầu tam xích hữu thần minh” để ta có cách sống đúng đắn, sửa đổi thân mình thêm toàn thiện mỗi ngày.

Niềm tin về Thái Tuế là minh chứng sống động cho sự gửi gắm phận đời mình nơi Đấng Trời, đó không phải là sự uỷ thác vô trách nhiệm mà đích thị là sự nương tựa với mong muốn lành thánh về đời sống bình an, thuận lợi. An Thái Tuế, Tạ Thái Tuế với niềm tin trong sáng, lành hảo cũng không phải là điều mê tín dị đoan. Hiểu đơn thuần nhất, đó là một nghĩa cử sống trọn vẹn thuỷ chung đẹp đẽ, thiện lương vậy!

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn