Lữ Tổ bảo cáo là một bảo cáo thông dụng đối với Toàn Chân đạo. Bảo cáo nói về Hưng Hành Diệu Đạo Thiên Tôn – người được thế gian biết đến với tên Lữ Động Tân, một trong bát tiên của Đạo giáo. Lữ Động Tân tên húy là Lữ Nham, tự Động Tân, hiệu là Thuần Dương Tử (ngài sinh tháng tư Âm lịch, thuộc quẻ thuần Kiền nên lấy hiệu như thế).
Nguồn: Toàn Chân Long Môn
lu-to-bao-cao-man-dam
ảnh: Internet
Ngoài ra, ngài còn có một hiệu khác gọi là Hồi (回)đạo nhân (một lối chơi chữ từ chữ 呂 mà thành) với ý tứ là một người trở về với Đại Đạo. Ngài sinh ngày 14 tháng 4 năm Bính Tí, tức đời Đường Đức Tông niên hiệu Trinh Nguyên thứ 12 (ngày 4 tháng 5 năm 796 Tây Lịch) tại làng Chiêu Hiền, huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, Châu Bồ (nay là thôn Chiêu Hiền, xã Vĩnh Lạc, huyện Nhuế Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).
Lữ Tổ bảo cáo là một áng văn nói qua về cuộc đời, phương thức tu tập cũng như chính thánh hiệu của ngài. Trong bảo cáo có câu:
Hoàng lương mộng giác, Vong thế thượng chi công danh. Bảo kiếm quang huy, Tảo nhân gian chi yêu quái
Cả hai câu đại ý rằng:
Hoàng lương mộng giác, Vong thế thượng chi công danh
Câu này nói về một điển tích vô cùng nổi tiếng, đại ý nói đến cuộc hội ngộ giữa Chung Li tổ và Lữ Động Tân. Nhắc lại năm Lữ tổ 62 tuổi, ở Trường An ứng thí, vì kết quả thi không tốt, ngài ở một khách quán mà thán rằng:
Hà nhật đắc đệ dĩ úy thân tâm.
Hà nhật đắc đạo dĩ úy ngã tâm
(Ngày nào thi đỗ để an ủi cha mẹ
Ngày nào đắc đạo để thỏa lòng mình)
Lữ tổ lúc ấy còn vướng phải những điều phiền muộn, mệt mỏi, bởi có lòng tu hành nhưng nghĩa vụ gia đình ràng buộc. Cũng lúc đó, Lữ sinh gặp một người hình tướng lạ thường (tức thị là Chung Li Quyền (tự Vân Phòng tiên sinh). Người này ngâm bài thơ:
Tọa ngọa thường huề tửu nhất hồ.
Bất giáo sang nhãn thức hoàng quân.
Càn khôn hứa đại vô danh tính.
Sơ tán nhân gian nhất trượng phu
Lữ Tổ nghe ý thơ cao siêu huyền diệu mới lại gần làm quen, Chung Li tổ bảo Lữ tổ làm thử một bài thơ. Lữ tổ ngâm:
Sinh nhật nho gia ngộ thái bình.
Huyền anh trọng đới bố y kinh.
Thùy năng thế thượng tranh danh lợi.
Thần sự ngọc hoàng quy thượng thanh
Nghe ý thơ biết Lữ Động Tân mong muốn tu hành đặng quy phục mình với Đạo. Vân Phòng tiên sinh vui lòng. Chung Li đang nấu cháo kê vàng, Lữ Động Tân ngủ thiếp đi và thấy một giấc mơ. Trong giấc mơ, 18 năm đã trôi qua. Lữ Động Tân thi đỗ với điểm số cao nhất, làm quan to trong triều, lên đến chức Thừa tướng. Ông kết hôn, có con cháu và người hầu kẻ hạ. Nhưng một biến cố lớn xảy ra đến với ông. Ông bị phản bội và mất hết mọi thứ, bao gồm cả thân quyến và gia sản, phải lang thang trong nghèo khổ và cô đơn. Lữ Động Tân mơ lấy nhiều kiếp, đến kiếp cuối lại ngửi thấy mùi thơm nên bừng tỉnh giấc. Nồi cháo kê vẫn chưa nấu xong. Chung Li cười và hát:
Hoàng lương do vị thục
Nhất mộng đáo hoa tư
Nghĩa là:
Nồi kê còn chưa chín
Giấc mộng đã mơ xong
Lữ Động Tân nghe lấy lạ lùng không thôi. Từ ấy mà ngộ lẽ đạo, nguyện bái Chung Li tổ làm thầy, quyết chí tu hành.
“Hoàng lương mộng giác” ý muốn nói là mộng nhưng lại giúp ngài tỉnh ngộ, quên đi công danh nơi trần thế. Từ ấy mà ngài quyết chí bước trên con đường tu tập của mình. Mộng nhưng lại là “giác” (tỉnh) ra, thật là diệu kỳ.
Bảo kiếm quang huy, Tảo nhân gian chi yêu quái
Trước khi gặp Chung Li Tổ sư, vào năm ngài 49 tuổi, Lữ Tổ đã gặp được Hỏa Long chân nhân thuộc phái Linh Bảo (đệ tử của Cát Tiên ông). Hỏa Long chân nhân nhân ấy mà truyền cho ngài thiên độn kiếm. Khi đeo bảo kiếm bên mình thì Lữ Tổ ngày càng an tịnh. Cũng chính lúc sau khi đắc đan, Lữ Tổ đi khắp nơi dùng thanh kiếm báu này mà trảm quỷ trừ tinh. Chi tiết này còn biểu thị ánh hào quang của Đại Đạo soi sáng cho chúng sinh, ánh sáng đó có thể “tảo nhân gian chi yêu quái”.
Chi tiết “Bảo kiếm quang huy” còn được hiểu theo một lớp nghĩa khác. Trong "Hồn Thành văn tập", Lữ Tổ nói rằng:
" Ngã hữu Long Tuyền hạp khoả tàng
Lệnh nhân can đảm oánh thần quang
Nhất tòng đề thượng trung cung trướng
Vạn lý thảo ma bất cảm đương! "
Thiển dịch:
" Ta có một thanh long tuyền kiếm
Khiến người được can đảm sáng thần quang
Treo lên trên cao án ngự giữa trung cung
Vạn dặm ma cỏ chẳng dám phạm"
Kiếm vốn dĩ là một vũ khí dùng để bảo vệ chính mình và những bạn hữu xung quanh. Đối với văn hóa Đạo giáo, kiếm chẳng để đâm hay giết ai nhưng là để trảm ma! Đối với kẻ tu đạo, lục thiên ma vương hằng hằng tìm cách cản phá, khiến kẻ tu nhiều phen chùng bước trên con đường đi về với Đại Đạo. Từng bước từng việc ta đi, ta làm đều có ma khảo. Đeo trên mình pháp kiếm như thể tự an ủi tâm can: "Ta có một thanh bảo kiếm". Qua đó như thể để vững dạ an tâm lấy thêm dũng khí mà vững chân tiến bước. Kiếm này chẳng phải vàng bạc đồng sắt, nhưng làm bằng một thứ chất liệu đặc biệt. Lữ Tổ treo nó ở Trung Cung, tức là treo ở tâm của mình. Kiếm này đích thị là Tuệ kiếm, một thứ kiếm không nhìn thấy mà hiện hữu. Nó là thứ vũ khí phòng thân tối hảo. Kẻ nào rèn được kiếm này, có được kiếm này thì chẳng còn sợ ma tà ám mị, chẳng còn sợ lạc đường thất đạo. Thế nên, giờ kinh Vãn Khóa cũng hằng nghe đến câu: "Đán bằng Tuệ kiếm uy thần lực; Đào xuất luân hồi ngũ khổ môn".