Cúng 49 ngày

Thứ hai, 20/11/2023, 13:50 GMT+7

Việc cúng 7 ngày, 49 ngày, 1 năm, 3 năm... Có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào trong Đạo giáo? Người sống, kẻ mất có được phúc báu gì hay không?

Nguồn: Nguyễn Sùng Chân

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Nhiều người thấy truyền thống cúng 49 ngày, 100 ngày....là từ các cụ truyền lại, dạy sao làm vậy chứ không có hiểu biết rõ ràng, không hiểu ý nghĩa ra sao. Nay tôi trí tuệ kém cỏi, hiểu biết hạn hẹp xin viết ra vài điều để làm sáng tỏ việc này, cho chư vị đạo hữu tham khảo xem sao.

Thực sự việc cúng cho đám tang theo 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày.... Có nguồn gốc từ Dân gian Trung Hoa trước hay là có từ Đạo giáo trước thì không có rõ ràng, nhưng có thể khẳng định đó là sự nội phát văn hóa tâm linh trong chính dân tộc họ. Và dù kết quả thế nào cũng không quan trọng, quan trọng là khi truyền thống đó ở trong Đạo giáo thì nó có nguồn gốc rõ ràng, làm vững chắc niềm tin của người Trung Hoa bấy giờ về tâm linh, về đời sống của con người sau khi mất đi ;đồng thời làm cho nhận thức của dân chúng về việc cúng 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày... cho người đã mất là 1 việc phúc đức, ý nghĩa tốt đẹp chứ không phải là mê tín, là tà kiến u minh.

- - - - - - - - - - - - - - -

TRONG "NGUYÊN THỦY THIÊN TÔN THUYẾT PHONG ĐÔ DIỆT TỘI KINH " có viết

Thiên Tôn nói: Nhân quả vào thời mạt pháp tương lai, Ma cường Đạo nhược khi đó tất cả chúng sanh đều bị Ma Vương quản nhiếp, chúng sanh phạm nhiều tội thập ác cùng ngũ nghịch, bởi vậy khi mệnh chung hết thảy đều chịu cảnh tội tù nơi cõi u minh, ngày đêm chịu hình khổ, vô duyên độ thoát. Kẻ nào khi còn sống nếu tu THẬP HỘI , nơi công đức nghiệp kính đài sẽ ghi chép lại, Phong Đô Đại Đế vui mừng,khi thọ hết mệnh chung chẳng chịu cảnh tù tội, còn nếu Thất Thất tu trai giới “cùngtụng kinh này” , rồi "Làm Điệp Trạng Tấu Sớ Dâng Lên " , khi đó Lục Tào đồng tử sẽ ghi chép lại nơi Ngọc thư, tương lai sẽ được sinh vào nơi an vui được nhiều phước báu. Nếu chịu tu THẬP HỘI , công đức như vậy nhiều vô lượng vô biên như biển rộng, lại quảng xây đạo tràng để báo ân cha mẹ, kẻ đó sau thác nhất định sẽ được siêu thằng về mười phương tịnh thổ.

Nguyên Thủy Thiên Tôn tiếp nói danh hiệu "Thập Hội " hội trai công đức để lưu truyền thế gian, khai mở bến mê:

Nhất Thất, Tần Quảng Đại Vương Thái Tố Diệu Quảng Chân Quân.

Nhị Thất, Sơ Giang Đại Vương Âm Đức Định Hưu Chân Quân.

Tam Thất, Tống Đế Đại Vương Động Minh Phổ Tĩnh Chân Quân.

Tứ Thất, Ngũ Quan Đại Vương Huyền Đức Ngũ Linh Chân Quân.

Ngũ Thất, Diêm La Đại Vương Tối Thắng Diệu Linh Chân Quân.

Lục Thất, Biến Thành Đại Vương Bảo Túc Chiêu Thành Chân Quân.

Thất Thất, Thái Sơn Đại Vương Đẳng Quan Minh Lý Chân Quân.

Bách Nhật, Bình Đẳng Đại Vương Vô Thượng Chính Độ Chân Quân.

Tiểu Tường, Đô Thị Đại Vương Phi Ma Diễn Khánh Chân Quân.

Đại Tường, Chuyển Luân Đại Vương Ngũ Hóa Uy Đức Chân Quân.

( Nhất thất là 7, Nhị thất là 14, Thất thất là 49, Bách Nhật là 100, Tiểu Tường 1 năm, Đại tường là 3 năm. Đây là Nguyên Thủy Tôn thuyết cách cho chúng sinh đang sống làm sao để được phúc báu, đến khi chết không đọa vào tam đồ, được an vui kiếp sau. Và sau đây, Thiên Tôn lại nói phương pháp cho Người Sống cứu Người Chết như nào)

Đấy là cho kẻ sống, nhân vì lẽ đó, Thiên tôn lại nói cho kẻ chết

Thiên Tôn cáo rằng: Chúng sanh nào có cha mẹ quyến thuộc, sau khi thọ hết mệnh chung nếu chịu vì họ tu công đức thiện hội, kẻ chết nương nhờ phước lực đó sẽ đầu thai lên các cõi Trời, chẳng đọa ác đạo. Các ngươi những kẻ trong pháp hội nên truyền lưu kinh này khắp 10 phương cõi nước, y đây mà tu hành có thể siêu độ vong hồn chẳng vào địa ngục. Với kẻ tu Đạo, công đức sẽ vô lượng vô biên. Còn đối với các chúng sanh khác, sau thác tùy tội nặng hay nhẹ, mỗi mỗi đều chịu quả báo khác nhau, hoặc tạo vô biên các việc ác, chẳng tu lấy mảy may điều thiện, lập tức sẽ đọa vào 24 ngục chịu cảnh tra khảo.

Từ đây mà sinh ra việc cúng Tuần, 49 ngày, 100 ngày, 3 năm cho người khuất vậy.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Vậy tại sao lại chọn ngày 49 là tuần thứ 7 để cúng trọng trong 100 ngày, mà không phải 1 ngày khác ? Nó có ý nghĩa như thế nào?

Ban đầu, Đạo giáo cho rằng, sau khi con người chết đi, cứ mỗi 7 ngày là một "kỵ", mỗi kỵ qua đi là một phách sẽ tiêu tan.Cho nên trước 49 ngày phải lập đàn siêu độ vong linh. Như vậy, cứ mỗi 7 ngày sẽ phải làm một cái cúng Thất.

+) Thất đầu là ngày thứ 6 sau khi thác, sẽ khai đàn Đả Tiếu mà tụng các bản kinh Độ Nhân, Tam Quan, Thái Thượng Động Huyền Linh Bảo Cứu Khổ Bạt Tội, Nguyên Thủy Thiên Tôn Thuyết Phong Đô Diệt Tội,...

+) Thất thứ hai là ngày 14, khai đàn Cứu Khổ. Chính Nhất dùng Linh Bảo Tế Luyện khoa hoặc Đẩu Mẫu Luyện Khoa , Toàn Chân thường dùng Thanh Huyền Tế Luyện khoa.

+) Thất thứ ba là ngày 21, bắt đầu Diệm Khẩu Thí Thực.

+) Thất bốn ngày 28, tiếp tục tụng kinh siêu độ.

+) Thất năm ngày 35, như thất bốn.

+) Thất sáu ngày 42, tự tụng kinh tạo phước.

+) Thất bảy, thường gọi Đoạn Thất, tức là hết Thất Phách chỉ Phóng Diệm Khẩu và hồi hướng.

Bởi lẽ đó mà sinh ra việc cúng trọng vào tuần thứ 7 vậy.

Qua đó ta thấy được truyền thống của Đạo giáo trong việc cúng tuần là nhờ hồng ân, lòng từ bi của Đại Đạo Nguyên Thủy Thiên Tôn đã ban truyền pháp môn giúp chúng sinh xa lìa khổ đau, nghiệp chướng dù là kẻ sống hay đã chết.

Trên đây là ý kiến của tôi dựa vào Kinh Văn Đạo tạng để bàn luận về vấn đề truyền thống cúng Tuần Thập Hội của Đạo giáo. Có chỗ nào thiếu sót mong chư vị lượng thứ.

Chí tâm xưng niệm

Thái Ất Cứu khổ thiên tôn

Bất khả tư nghị công đức

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn