“Thái Thượng Đỗng Thần Thiên Công Tiêu Ma Hộ Quốc Kinh” quyển thứ ba đề cập về một vấn đề khá ý nhị trong tư tưởng Đạo giáo: Đại Đạo thoái tàng (ẩn đi) sau khi tạo lập vũ hoàn, trao quyền lại cho Ngọc Hoàng quản hạt Tam giới. Lão Quân khi ấy nói: “Thiên Công ấy, tức Thiên Đạo công bình vô tư. Phụ mẫu của Trời Đất, tức Ngọc Hoàng Thiên Đế vậy! Thiên địa vạn vật một khi đã được hoàn bị sẵn sàng, Nguyên Thuỷ Đại Đạo về ở vô vi, lệnh Ngọc Hoàng thống quản Tam giới, giáo dưỡng sinh dân, công bình vô tư”. Ngọc Hoàng là một tôn thần đặc biệt trong thần hệ Đạo giáo, Ngài mang trọn dáng dấp bản thể Đại Đạo, và cũng thụ bẩm vẹn toàn bản tính Đại Đức vậy. Có thể nói một cách trực tiếp rằng: Ngọc Hoàng chỉ dưới Tam Thanh, và tể chế vạn thần.
Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử, Càn Khôn Tử
Tiên tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế tại thegioitamlinh.vn
Đại Đạo không chỉ lệnh cho Ngọc Đế thống quản Tam giới. Ngài còn tỉ mỉ sắp xếp cho từng chi tiết trong vũ hoàn, tựa như một kế hoạch hoàn bị. Lão Quân rằng: “(Đại Đạo) lệnh Địa Mẫu là Địa Hậu, cho đến Thiên Quan quản hạt thiên tào, Địa Quan coi sóc Địa phủ, Thuỷ Quan chăm nom Thuỷ Phủ. Các tứ độc ngũ nhạc, danh sơn đại xuyên, động phủ phúc địa đều có các Tiên Quan chủ chưởng…”. Cho nên mới nói: “Thiên địa là con của Đại Đạo, vạn vật là cháu của Đại Đạo. Đại Đạo là khởi thuỷ của thiên địa, lưỡng nghi là căn cội của vạn vật. Âm-Dương thăng giáng, thiên địa khí thông, sau đó gieo trồng bách cốc, phổ tế thương sinh. Đại Đạo càn khôn công đức sâu dày khó lòng lường trắc, tiềm dưỡng vạn vật, không phải do đức độ mà cũng chẳng bởi lòng nhân (ý chỉ bản tính tự nhiên)”.
Đại Đạo kiến thiết vũ hoàn nhưng lại trao quyền cho các bậc tôn thần quản hạt, coi sóc và vận hành. Đại Đạo sinh ra vạn linh, đặt để thần vị và thần cách cho các Ngài. Đại Đạo là nguồn sáng vĩ đại thắp nên những nguồn sáng khác. Song, tuyệt nhiên chẳng phải Đại Đạo không đủ khả năng coi sóc, quản lý vũ hoàn để rồi phải cần thêm các tôn thần khác phụ tá. Ngài toàn năng thậm chí không cần đến ai khác giúp đỡ, nhưng Ngài vẫn thắp sáng nên những nguồn sáng khác, đặt để thần vị và trao ban thần uy như một tự tính tự hữu nơi mình. Qua đó, các vị tôn thần giữ vai trò như một cầu nối linh thiêng trong đời sống tâm linh đạo chúng, thúc đẩy họ trở về với Đấng Đạo. Hơn hết, tôn thần coi sóc mọi mặt từ việc đi đứng, nơi ở, tắm gội cho đến sau khi thác đi cũng dặn dò rằng Đại Đạo thường ở bên, thường nâng bước và cứu lấy vạn vật mọi cảnh huống và mọi thời điểm. Cho nên, khi đề cập đến Đạo giáo, nếu mô tả một cách đơn giản và khái quát, có thể nói: Đạo giáo lấy Đạo Khí làm căn cội; lấy thần linh làm biểu trưng; lấy Đạo thuật làm phương tiện và lấy tế độ làm công đức vậy!