“Lão Quân viết :“ Đại Đạo vô hình. sanh dục thiên địa. Đại Đạo vô tình. vận hành nhật nguyệt. Đại Đạo vô danh. trưởng dưỡng vạn vật. Ngô bất tri kỳ danh. cưỡng danh viết ĐẠO”. Ở phần này, khi đề cập, Lão Quân đã hành văn theo lối pháp luận từ lớn đến nhỏ, từ tổng thể đến cụ thể: Thoạt tiên là Trời – Đất, kế đến là Nhật – Nguyệt, cuối cùng vạn vật chúng sinh trên thế gian này.
Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử, Càn Khôn Tử
Tiên tượng Thái Thượng Lão quân tại thegioitamlinh.vn
Đại Đạo vô hình; sanh dục thiên địa: Chính là sự diễn hóa từ vô hình, sinh hữu hình - một sinh xuất kỳ diệu. Theo lẽ thường tình, muốn tạo ra một vật gì đó, phải có những chất thể ban đầu, tạm gọi là nguyên liệu cấu thành. Tuy nhiên, cách Đại Đạo sinh xuất chúng sinh không như vậy. Ngài bản hư không, vậy nên không có chất thể nào để cấu thành trong quá trình Đạo sinh xuất vạn vật. Đạo sinh ra chúng sinh từ chính Ngài. Ngài vừa là nguyên liệu, vừa là động lực, vừa là hành động để chúng sinh hiện diện. Đạo là tất cả và Ngài ban cho chúng sinh một thứ “vật báu”, đó là nguyên thần và nguyên thần này bất diệt dù có trải muôn muôn kiếp luân hồi. Ngài cho đi nhưng không hao hụt, chúng sinh quy về nhưng Ngài chẳng to lớn thêm, vì bản thể Ngài là sự vẹn toàn tuyệt đối. Chúng sinh dầu từ Đạo mà sinh, nhưng chúng sinh không phải là Đạo. Chúng sinh có một bản ngã riêng biệt, bản ngã này sở hữu mối tương quan mật thiết với Ngài mà thôi.
Đại Đạo vô hình, tức là Ngài vượt trên mọi giới hạn của nhận thức. Cái Đức đầu tiên là “vô hình”, vượt trội trên mọi chúng sinh. Điều này khẳng định Đạo là đấng siêu việt, toàn năng và toàn hảo. Trong khi đó, chúng sinh với “sắc, thanh, hương, vị, xúc giác” không thể cảm nhận hoàn toàn về Đạo. Nói cách khác, người là hữu vi, Đạo là vô vi, không thể dùng hữu vi để thấu tỏ tường tận vô vi được. Chúng sinh cũng không thể tri thức một cách tỏ tường về Đạo, nếu tri thức, chỉ là một phần nhỏ nhoi, sánh như ao trời nước vũng. Đạo không chỉ sinh mà còn “dục” – sự dạy dỗ của ngài trong việc duy trì sự sống của chính chúng sinh. Điển hình của việc “dục” chính là những lần giáng thế truyền kinh, hướng chúng sinh trở về Chân Đạo. Đồng thời, có thể hiểu rằng, sự “dục” này là một cách hằng dõi theo, để tâm đến từng đường đi nước bước của vạn vật.
Câu đầu tiên đã nêu ra nan đề chúng sinh không thể tri giác hoàn toàn về Đạo, vì Ngài là đấng vượt lên hết thảy mọi chúng sinh. Đồng thời, câu này cũng gợi mở ra rằng Đạo chính là nguồn cội sinh xuất vạn hữu.
Đại Đạo vô tình; vận hành nhật nguyệt: Đại Đạo không có những tình thái, yêu ghét và Ngài có thể điều khiển âm dương, vận hành quy luật của trời đất. Điều này thể hiện Ngài là đấng công bình đến tuyệt đối. Ngài sinh ra chúng sinh, trao ban cho chúng nguyên thần. Nhưng ngài cũng là đấng công bình, vận hành mọi quy luật theo lẽ khôn khéo của chính Ngài đặt để. Giống như Trời – Trăng chẳng bao giờ thay đổi vì tư tình, mong muốn của ai. Trời – Trăng thay nhau mọc, hàn thử cùng đắp đổi, chẳng vì ai mà trái lẽ tự nhiên. Đạo được gọi là Đấng “Đại ái vô tình”. Mặc dù vô tình, nhưng chính sự vô tình đó là điều cần thiết để chúng sinh có thể đạt được thành tựu về sau. Đại Đạo đã có kết hoạch cho chúng sinh, Ngài đặt để một gia tài to lớn ở cùng đích đời chúng. Vậy nên những khổ đau, những chông gai vô tình cũng chính là tình yêu thương lớn lao. Nhiều người cho rằng những dịch bệnh, thiên tai, là do trời làm khổ muôn sinh. Nhưng đâu phải thế, hãy luôn nhớ rằng mọi biến đổi trong bầu trời đất này đều cần thiết cho vạn vật. Tóm lại, ở ý tứ này, Lão Quân khẳng định Đại Đạo là đấng cai trị vạn vật, là bậc làm chủ.
Đại Đạo vô danh; trưởng dưỡng vạn vật: Đạo nuôi dưỡng chúng sinh tự tăng trưởng trong chính nó (không nên hiểu là nằm ở hình thể). Ngài nuôi cho chúng sinh thăng tiến một cách thật sự. Điều này được thể hiện qua việc Ngài khiến chúng sinh càng gần gũi đến với ngài hơn, càng trở nên lành hảo, thiện lương. Với những sự “ban ơn” to lớn đó, nhưng Đạo là đấng “Vô danh”, là một bậc không đòi kể công, không đòi tưởng nhớ. Có thể nói, Đạo đấng “kín tiếng”.
Nếu nhìn nhận một cách cụ thể, chi tiết hơn, ta hãy xét trong chính bản thân mình. Trong mỗi con người “Thiên” là đỉnh đầu nơi huyệt bách hội, “Địa” là huyệt Phong Đao. Từ đó, Lão Quân cũng phần nào đề cập Đại Đạo sinh ra ta từ đầu tới chân. Lại nữa, nhật - nguyệt biểu thị hai mắt trái phải, nhật – nguyệt còn là hai bên thận, là nơi khởi đầu của sự sống. Đạo là đấng vận hành chính sự sống của chúng sinh. Cuối cùng,” vạn vật” mô tả “nhân trung vạn thần”. Từ đó, có thể thấy mối tương quan của Đại Đạo với chúng sinh không chỉ toàn thể, mà còn là tương quan của sự đối diện bạn hữu.
Cuối cùng, Lão Quân thán “Ngô bất tri kỳ danh. Cưỡng danh viết Đạo”. Ta thấy, Đại Đạo hoàn toàn không có tên. Một khi Lão Quân đã không biết, ta liền có thể khẳng định không có. Nhưng một lòng để giáo hóa chúng sinh, một lòng để chúng sinh có thể tri thức phần nào, Ngài “cưỡng danh viết Đạo”. “Cưỡng danh” là gượng mà gọi, hình thức phỏng đoán hoặc gượng gọi này bắt gặp khá nhiều trong Đạo Đức Kinh, ý muốn bày tỏ Đạo là đấng không tên, một khi đã gọi Đạo thì “phi thường Đạo”