“Trai” được hiểu là giữ cho trong sạch, ngăn tham dục. Thuở xưa, trước khi tế lễ quỷ thần, người đảm đương vai trò chủ lễ phải kiêng giữ rượu thịt, ngủ nhà riêng. Việc làm ấy gọi là trai giới. Trong “Hoài Âm Hầu liệt truyện - Sử kí” nói: “Trạch lương nhật, trai giới, thiết đàn tràng, cụ lễ, nãi khả nhĩ”. “Hoài Âm Hầu liệt truyện” viết về thời Hàn Tín (230 TCN - 196 TCN), trong khi đó, Sử Ký được viết từ năm 109 TCN đến năm 91 TCN. Có thể thấy, hạn từ “trai giới” đã xuất hiện khá sớm.
Ngày nay, phần đa mọi người thường đặt hạn từ “trai” gói gọn trong việc ăn uống, nghĩa là tránh rượu thịt cùng các thức tanh nồng. Song, việc giữ trai cần được khái quát, mở rộng. “Trai” được thể hiện qua nhiều phương diện như ăn ở, đi lại, nói năng, tư tưởng, tính tình và cách bản thân đối đãi với mọi người chung quanh. Đơn cử, ăn uống thanh đạm, không vướng mắc vào sự thèm thuồng hiếu sát, ấy là “thực trai”. Mặc vận trang nhã, cốt để lịch thiệp, không vì phong thái cá nhân mà cầu kỳ phung phí, ấy là “y trai”. Nói năng bình hoà, không gian dối lọc lừa, chẳng điêu ngoa xảo trá, ấy xứng “ngôn trai”. Đi đứng, lưu trú ở nơi phải, chẳng lầm phường tà vại, ấy là “trú trai”. Hình thức trai giới bên ngoài cũng khó so bì với “tâm trai” - thanh tịnh nơi tâm, ấy mới biểu đạt trọn vẹn ý nghĩa của việc giữ trai. Nhưng cũng đồng thời nhờ hình thức bên ngoài cùng tương hổ cho “tâm” thêm thánh thuần, luỹ tiến đến thanh tịnh hư vô. Cho nên trong ngoài đều phải giữ, đó là vẹn toàn đôi bên.
Việc trai giới có nhiều ý nghĩa, nhưng tựu chung mang một số nét như sau: (1) Nuôi dưỡng Đạo tâm thông qua các hình thức trai giới, trong đó bao gồm cả từ bi tâm; (2) Được trở nên thánh thiện và trong sạch trước một kỳ tế lễ quan trọng - đối diện quỉ thần; (3) Tiết độ những ham muốn ngoại vật, giữ làm chủ được thân-tâm.
“Tiếu” được hiểu là nghi tiết ngày xưa, dùng trong hôn lễ hoặc quan lễ. Đàn bà ngày xưa muốn tái giá cũng y theo nghi tiết này, còn xưng “tái tiếu/cải tiếu”. “Thuyết Văn Giải Tự” xuất hiện đầu thế kỷ thứ 2 nói: “Thứ nhất là lễ quan (cài quan) thú (hôn nhân); thứ nhì là lễ tế tự”. Trong “Tùy Thư” - do Vương Thiệu soạn đời Tùy Văn Đế (trị vì 581 - 604) viết: “Ngũ phẩm dĩ thượng thê thiếp bất đắc cải tiếu”, nghĩa là thê thiếp từ ngũ phẩm trở lên trông được cải giá. Muộn hơn, “Thủy Hử Truyện” hồi thứ nhất, của Thi Nại Am viết vào thế kỷ 14, nói: “Thỉnh Thiên Sư, yêu tố tam thiên lục bách phân la thiên đại bản tiếu, dĩ nhương thiên tai, cứu tế vạn dân” - Thỉnh Thiên Sư lập đàn ba nghìn sáu trăm la thiên để cầu trời trừ tai họa cứu giúp muôn dân. Ngoài ý nghĩa là nghi tiết ngày xưa, “tiếu” còn được sử dụng với ý nghĩa động từ là cầu cúng, tế tự.
Việc tiếu có những ý nghĩa được khái lược như sau: (1) Nghi thức để thực hiện một điển lễ quan trọng trong đời sống, qua đó, con người tin nhận bằng những nghi thức này thì nguyện vọng được toại thành và sự vụ được viên mãn; (2) Sự cầu cúng, kỳ đảo, tế tự để tỏ bày những điều thầm kín đến Đấng Thiêng liêng, khi này, “tiếu” trở thành phương thức kết nối Trời - Người. Có thể nói, bản thân việc “tiếu” không phải là thần linh, mà thông qua những nghi thức đó, sự linh thiêng được bộc lộ, trở thành phương tiện cho cuộc gặp gỡ giữa con người với những Đấng Tối cao trong niềm tin của họ. Con người gặp được thần linh thông qua những thứ biểu hiện thiêng liêng - ở đây là việc tiếu và có thể nâng mình lên khỏi thế giới phàm tục.
Trong Đạo giáo, việc trai tiếu được nhắc đến khá nhiều thông qua các truyền thống xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển. Thời điểm hiện tại, án chiếu theo quy mô, việc “trai’ phân thành nội trai và ngoại trai. Trong đó, nội trai chỉ tâm trai, tọa vong, tồn tư (theo “Đỗng Thần Kinh”); ngoại trai chỉ các hình thức trai có “tam lục” và “thất phẩm”. Theo “Đỗng Huyền Linh Bảo Huyền Môn Đại Nghĩa”, “tam lục” gồm Kim Lục Trai “thượng tiêu thiên tai, bảo trấn đế vương”, Ngọc Lục Trai “cứu độ nhân dân, thỉnh phúc tạ quá” và Hoàng Lục Trai “hạ bạt địa ngục cửu u chi khổ”; “thất phẩm” ý chỉ Tam Hoàng Trai, Tự Nhiên Trai, Thượng Thanh Trai, Chỉ Giáo Trai, Đồ Thán Trai, Minh Chân Trai, Tam Nguyên Trai.
Về “tiếu”, theo hình thức có nhiều loại, tùy vào mục đích mà có tên gọi khác nhau. Theo đó, cầu mưa có Kỳ Vũ Long Tiếu, truyền độ có Chính Nhất Truyền Độ Tiếu, hoặc khẩn đảo cho quốc gia thế sự, nhân dân quần chúng thì La Thiên Đại Tiếu. Án chiếu theo mục đích và đối tượng, có thể phân thành: Thanh tiếu và U tiếu. Thanh tiếu có kỳ phúc tạ ân, khước bệnh diên thọ, chúc quốc nghênh tường, kỳ tình đảo vũ, giải ách nhương tai, chúc thọ khánh hạ. U tiếu có nhiếp triệu vong hồn, mộc dục độ kiều, phá ngục phá hồ, luyện độ thí thực… Tuy nhiên, phải hiểu rằng việc tiếu ở đây đã bao gồm các việc “trai”, tối thiểu là “tâm trai”.