Quan niệm luyện độ trong truyền thống linh bảo kinh và nghi thức tang sự sớm nhất của đạo giáo

Chủ nhật, 24/11/2024, 14:50 GMT+7

Trong quyển “Thái Thượng Hoàng Lục Trai nghi” của Đỗ Quang Đình (850-933) viết vào cuối đời Đường, không nhắc đến luyện độ nghi.

Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử, Càn Khôn Tử

Đạo sĩ đời Nam Tống là Kim Duẫn Trung (1205-1225) đề cập trong tập 17 của “Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp” rằng “廣成先生編撰科儀,乃唐大順間,是時未行鍊度之儀,近世此科方盛。”

- Quảng Thành tiên sinh biên soạn khoa nghi vào những năm Đại Thuận triều Đường. Đây là thời kỳ chưa hình thành các nghi luyện độ. Thời gian gần đây, khoa nghi này càng hưng thịnh”. Vương Khế Chân (1208-1250) cũng nói tương tự trong “Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp” rằng: “廣成古科,無煉度之儀,近世此科方盛” - Quảng Thành cổ khoa không có luyện độ nghi, thời gian gần đây khoa này hưng thịnh.

Cuốn “Vô Thượng Huyền Nguyên Tam Thiên Ngọc Đường Đại Pháp” là tài liệu sớm nhất đề cập đề nghi thức luyện độ với tư cách là một nghi thức cá biệt với những trình tự phức tạp, nội dung đề cập rằng thông qua việc nội luyện tu trì, người chủ pháp có thể “luyện hình thành chân” và cứu bạt vong hồn.

"Linh Bảo Vô Lượng Độ Nhân Thượng Kinh Đại Pháp” có lưu lại Tam Quang luyện độ, Nam Xương luyện độ, Linh Bảo luyện độ, Hỗn Nguyên âm luyện, Cửu Luyện sinh thi… Vương Khế Chân trong “Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp” cũng đã có những tích hợp các phương pháp luyện độ vào thời điểm đó.

Quyển”Linh Bảo Lĩnh Giáo Tế Độ Kim Thư” của đạo sĩ Lâm Linh Chân (1239-1302) đời Nam Tống cũng có ghi chép về luyện độ và phương pháp luyện độ được hành theo trai pháp. Thời Nguyên, Trinh Sở Nam (1239-1316) đã lưu lại các nghi thức và nội dung chi tiết của luyện độ trong “Thái Cực Tế Luyện Nội Pháp”, từ việc đưa thủy hỏa giao luyện trong nội tại đến việc tế luyện cho các vong hồn. Điều này cho thấy luyện độ nghi thức phong phú và thịnh hành trong triều Tống về sau. Các tài liệu này cho thấy “Luyện độ” có thể đã trở thành một nghi thức quan trọng của Đạo giáo vào đời nhà Tống về sau.

Tuy nhiên, Kim Duẫn Trung nhìn nhận rằng luyện độ không phải là nghi thức được phát minh vào đương thời. Họ Kim nói rằng: “鍊度之儀,古法來立。雖盛於近世,然自古經誥之中,修真之士,莫不服符,請炁內煉身神。故劉混康先生謂:『生人服之,可以鍊神;而鬼魂得之,亦可度化。是鍊度之本意也”

- Nghi luyện độ được thiết lập bằng các pháp thời cổ đại. Mặc dù phát triển ở thời bấy giờ, nhưng từ những kinh điển cổ xưa, tu chân chi sĩ luôn phục phù thỉnh khí, nội luyện thân thần. Cho nên Lưu Hỗn Khang tiên sinh rằng: ‘Nếu sinh nhân trở về được, có thể luyện thần; quỷ hồn có thể đắc được, có thể độ hóa’. Đó gọi là ý tứ của luyện độ vậy. Theo đó, Kim Duẫn Trung cho rằng nghi thức luyện độ có thể bắt nguồn từ pháp nội luyện của phái Thượng Thanh. Tuy nhiên, sau thời Nam Tống, các khoa thư liên quan đến luyện độ phần lớn cho rằng xuất từ Linh Bảo Pháp, có nguồn gốc từ Cát Huyền. Trong quyển “Thái Cực Tế Luyện Nội Pháp” có lời tựa của đạo sĩ Từ Thiện Chính viết vào năm thứ bảy Chí Chính đời Nguyên (1347)

rằng: “靈寶出書,自古高仙上士得之者,上可以消天災,保帝王;下可以濟拔死魂,開明長夜。其度人无量,著于秘典尚矣。其中祭鬼煉度內法,自晉太極葛仙翁修此道於會稽上虞山中,功成道備,上升雲天,由是以來,靈寶之妙,師師相傳,祭鍊之法,從茲衍矣”

- Linh bảo xuất thư, từ xưa đã có bậc cao tiên thượng sĩ đắc được, trên có thể tiêu thiên tai, bảo hộ đế vương; dưới có thể tế bạt tử hồn, soi sáng trường dạ. Cứu người vô lượng, được biên chép nơi bí điển. Trong đó có tế quỷ luyện độ nội pháp, từ thuở Thái Cực Cát Tiên Ông tu pháp này ở núi Thượng Ngu vùng Hội Kê, công thành đạo bị liền thượng thăng lên trời. Kể từ đó, Linh Bảo diệu pháp truyền từ thầy này sang thầy khác, pháp tế luyện từ đây mà diễn vậy!

Trong tác phẩm kinh điển Linh Bảo thời Lục Triều, “luyện độ” bao gồm hai phần. Trong đó, một số kinh điển tập trung phần “luyện độ” đề cập đến “luyện hồn”, và các tác phẩm kinh điển khác tập trung vào phần “độ” tức là tiến thăng Nam Cung. Điều này khác biệt đáng kể so với “Thái Âm luyện hình” tập trung vào tu luyện. Mô hình này sau đó trở thành phương pháp cứu bạt vong hồn, từ đó giúp họ rời xa khổ đau và thăng thiên giới. Sự cứu rỗi với số lượng lớn người khá phổ biến trong các kinh Cựu Linh Bảo.

Trong “Linh Bảo Vô Lượng Độ Nhân Thượng Phẩm Diệu Kinh”, chương “Nguyên Thủy Đỗng Huyền”, Nguyên Thủy Thiên Tôn dùng “Nguyên Thủy Phù Mệnh” đã cứu bạt những vong hồn, mệnh lệnh Bắc Phong Địa Phủ hộ vệ vong hồn, nhiếp chế quỷ ma, lệnh bảo cử vong hồn khiến chúng thăng độ đến Nam Cung, tiến hành luyện hóa thành người. Sau đó, chúng hồn trong phận con người tiếp tục tồn tại, không ngừng canh sinh, cho đến khi siêu việt Tam giới, đạt đến Thượng Thanh cảnh huống: “元始符命,時刻昇遷。北都寒池,部衛形魂。制魔保舉,度品南宮。死魂受鍊,仙化成人。生身受度,劫劫長存。隨劫輪轉,與天齊年。永度三途,五苦八難。超凌三界,逍遙上清。” - Nguyên Thủy phù mệnh, thời khắc thăng thiên. Bắc đô hàn trì, bộ vệ hình hồn. Chế ma bảo cử, độ phẩm Nam cung. Tử hồn thụ luyện, tiên hóa thành nhân. Sinh thân thụ độ, kiếp kiếp trường tồn. Tùy kiếp luân chuyển, dữ thiên tề niên. Vĩnh độ tam đồ, ngũ khổ bát nạn. Siêu lăng tam giới, tiêu dao Thượng Thanh.

Hoặc như đoạn “Đạo Quân Trung Tự” viết: “道言:夫末學道淺,或仙品未充,運應滅度,身經太陰。臨過之時,同學至人為其行香誦經十過,以度尸形如法,魂神逕上南宮,隨其學功,計日而得更生,轉輪不滅,便得神仙。”

- Đạo rằng: Phàm mạt học Đạo thiển bạt, hoặc tiên phẩm chưa trọn đầy, vận ứng diệt độ mà thân qua đến Thái Âm. Vào thời khắc lâm chung, kẻ đồng học đến thắp hương tụng kinh mười lần, lấy độ thi hình như pháp, hồn thần có thể đến Nam Cung, tùy vào học công mà ngày đến được phúc canh sinh, chuyển luân bất diệt, rồi được đắc tiên. Điều này đã đánh dấu việc tụng “Độ Nhân Kinh” là một pháp quan trọng để cứu người đã khuất. Pháp này dạy rằng các đạo sĩ cần thiêu hương, tụng kinh cho những người đồng học lúc lâm chung để linh hồn có thể đến Nam Cung tùy theo công đức mà thụ độ canh sinh. Qua nhiều kiếp nhiều đời tồn tại ở nhân thế, cuối cùng đạt được cảnh huống thăng tiên. Đây không chỉ là sự hoàn bị của nghi thức độ vong của Linh Bảo mà còn là hình thái tang nghi sớm nhất của Đạo giáo.

Ngoài ra, bản văn này còn chỉ rõ rằng các đạo sĩ Đạo học thiển bạc, tiên phẩm chưa viên mãn sẽ “thân kinh Thái Âm” hoặc thông qua các nghi thức tế lễ mà chuyển dời về Nam Cung. Quá trình thân kinh Thái Âm cho đến việc hồn thần canh sinh là yếu tố cơ bản của “Thái Âm luyện hình” trong Thiên Sư Đạo và Thượng Thanh thời kỳ đầu. Tuy nhiên, Linh Bảo Kinh đã có những chuyển biến quan trọng: Thay vì trở thành trạng thái chủ động lựa chọn của người tu hành (Thái Âm luyện hình tin nhận rằng hiền giả, học đạo chi sĩ có thể lựa chọn đến Thái Âm cung hoặc luân hồi tiếp mà tu tập), thì ở đây nhấn mạnh sự thụ động phổ quát (được ân bảo cử). Thông qua các quá trình thắp hương, tụng kinh của các vị đồng tu đồng học, vong hồn được thăng thiên và tùy vào công đức quyết định số mệnh - khái niệm công đức được đưa vào.

“Đạo Quân Tiền Tự” hình thành sau này đã mở rộng và phân biệt rõ đối tượng cứu độ: “道言:凡誦是經十過,諸天齊到,億曾萬祖,幽魂苦爽,皆即受度,上昇朱宮。格皆九年,受化更生,得為貴人;而好學至經,功滿德就,皆得神仙,飛昇金闕,遊宴玉京也。上學之士,修誦是經,皆即受度,飛昇南宮。世人受誦,則延壽長年,後皆得作尸解之道,魂神暫滅,不經地獄,即得返形,遊行太空。” - Phàm tụng kinh này mười lần, chư thiên đều đến, tổ tiên muôn kiếp, u hồn khổ sảng đều tức thời được thụ độ, thượng thăng Chu cung (Chu Lăng Cung tức Nam cung). Sau đó chín năm thời được thụ hóa canh sinh, đắc làm kẻ quý hiến; người hiếu học kinh này, công mãn đức tựu có thể đắc đạo thần tiên, phi thăng kim khuyết, ngọc kinh. Kẻ thượng học tu tụng kinh này, đều được thụ độ, phi thăng Nam Cung. Thế nhân tụng kinh này, tức được thêm thọ dư đầy, sau được thi giải, hồn thần tạm diệt, không qua địa ngục, thời liền phản hình, du hành Thái Không.

“Tam Giới Ma Vương Ca Chương” nói: “此三界之上,飛空之中,魔王歌音,音參洞章,誦之百徧,名度南宮;誦之千徧,魔王保迎;萬徧道備,飛昇太空,過度三界,位登仙公,有聞靈音,魔王敬形,敕制地祇,侍衛送迎,拔出地戶,五苦八難,七祖昇遷,永離鬼官,魂度朱陵,受鍊更生,是謂无量,普度无窮,有祕上天文,諸天共所崇,泄慢墮地獄,禍及七祖翁。 ” - Đại khái là các ân ích về việc tụng kinh, tụng bách biến danh độ Nam Cung, tụng vạn biến phi thăng Thái Không, v.v…

Như vậy, chỉ riêng việc tụng kinh có thể kiến tạo công đức, khiến người rời cõi u khổ, linh hồn thăng Nam Cung để thụ luyện canh sinh hoặc thành tiên. Linh Bảo Kinh đã chuyển hóa quan niệm về công đức của Phật giáo, khiến cho công đức tụng kinh có uy lực to lớn, trở thành cách cứu rỗi u hồn nhanh nhất và hoàn bị nhất.

Mặc dù Linh Bảo Kinh có sự ảnh hưởng về công đức, luân hồi của Phật giáo, nhưng việc tái sinh nhờ luyện độ vẫn là một giai đoạn trọng yếu trong việc cứu độ u hồn. Điều này đã khiến cho độ vong khoa nghi giữa Đạo giáo và Phật giáo trở nên khác biệt với luyện độ là điểm lớn nhất.

Thuật ngữ “luyện độ” được thể hiện cựu Linh Bảo Kinh, các ý tưởng của nó được phát triển sâu sắc và phát triển thành nghi khoa. Quan trọng nhất là “Ngũ Luyện Sinh Thi Kinh” - một tác phẩm đề cập đến trạng thái sau khi chết, nỗi lo lắng về sự vô định của linh hồn lẫn thể xác. Kinh nói rằng: “幽魂始開,未入轉輪,尸神奔落,腐骸無津,沈淪九土,縱橫地官,飛爽傍偟,不能得還,土府促會,形尸無寧,更受愁迫。U hồn thủy khai, vị nhập chuyển luân, thi thần bôn lạc, hủ hài vô tân, thẩm luân cửu thổ, túng hoành địa quan, phi sảng bàng hoàng, bất năng đắc hoàn, thổ phủ xúc hội, hình thi vô ninh, canh thụ sầu bách.” Điều này mô tả linh hồn của người đã khuất vừa rời khỏi thể xác, chưa đi vào luân hồi, và đang ở trạng thái bất ổn. Tình trạng thi hồn không ổn định, thậm chí bị Thổ Phủ ép buộc không chỉ mang lại đau khổ lớn cho người đã khuất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến người sống. Đây chính là quan niệm thi quỷ. Kinh cũng nói rằng: “如宿緣未絕,不得還者,形尸故宅,幽在九泉,為眾靈所迫,不相容受,飛魂無泊,還逮子孫。Như túc duyên vị tuyệt, bất đắc hoàn giả, hình thi cố trạch, u tại cửu tuyền, vi chúng linh sở bách, bất tương dung thụ, phi hồn vô bạc, hoàn đãi tử tôn”. Như vậy nhân duyên quá khứ có ảnh hưởng đến vong hồn và sự không an định của vong hồn có thể liên lụy tử tôn. Bản kinh này là một tập hợp các nghi lễ kiến thiết trên nền tảng này, để linh hồn có thể an định và được cứu rỗi. Dựa trên mối quan tâm này, Thượng Trí Đồng Tử và Luân Thiên Đồng Tử cầu xin Nguyên Thủy Thiên Tôn quảng từ bi xá miễn cho những túc duyên triền buộc, khiến vong linh được sự an định, không còn oán hận. Nguyên Thủy Thiên Tôn đã truyền “Cửu U Ngọc Quỹ Nữ Thanh ngọc Văn”, lại lệnh nhất thiết thần linh hộ vệ vong hồn cùng hình hài, khiến hồn thần quy phản, “應度者度,應生者生,應轉者轉,應還者還 - Ứng độ giả độ, ứng sinh giả sinh, ứng chuyển giả chuyển, ứng hoàn giả hoàn”. Sau khi an trấn thi hình, lại qua luyện độ, có thể độ hóa, canh sinh, chuyển thế hoặc trở về nhân gian.

Có thể thấy, những quan niệm sơ khởi nhất về luyện độ đã xuất hiện trong truyền thống Linh Bảo Kinh ở thuở Lục Triều nhưng chỉ đơn thuần thông qua các lời cầu nguyện. Điều này cũng ứng với các nhận định của đạo sĩ đời Đường, Tống rằng luyện độ vong linh không phải là pháp mới xuất hiện mà vốn được kế thừa từ các giá trị nội hàm ban đầu, để đến thời gian bấy giờ, luyện độ trở thành một nghi thức trọng yếu, có tính quy trình và được thể hiện rõ nét hơn.

 

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn