Trong Đề cương thứ nhất của Thập Tứ Triệu Thỉnh (Toàn Chân Thí Thực Khoa Nghi) viết: “灵幡飘荡本无风,风动幡飞瞬息中。幡若风来魂魄附,魂随幡引上南宫。冥冥始觉从前悟,悟了方知彻底空。要知灵幡端的处,灵幡便是主人公”.
Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử, Càn Khôn Tử
ảnh: internet
Linh phan phiêu đãng bản vô phong; Phong động phan phi thuấn tức trung; Phan nhược phong lai hồn phách phụ; Hồn tùy phan dẫn thượng Nam cung; Minh minh thủy giác tòng tiền ngộ; Ngộ liễu phương tri triệt để không; Yếu tri linh phan đoan đích xứ; Linh phan tiện thị chủ nhân công.
Bản văn nhắc nhiều về hình tượng “linh phan” - một pháp khí Đạo giáo thường được dùng trong các khoa nghi Âm sự. Linh phan (hay linh phiên, lá phướn) xuất hiện trong nhiều nền tôn giáo khác nhau, trong đó có cả Đạo giáo và Phật giáo. Trong bản văn này, linh phan này chỉ Thiên Thần Phan, là một bảo phan sử dụng trong hành trì Đạo giáo, trên có viết danh hiệu Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn cùng Thập Phương Cứu Khổ Thiên Tôn. “Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp” nói: “Phàm khi kiến lập đại trai, phải noi theo nghi thức, dùng vải vàng chế Thiên Thần Bảo Phan, dùng vải đỏ chế Hồi Diệu Linh Phan, dùng vải xanh lục chế Thái Nhất Bảo Cáo Phan. Lại có những phan dùng cho siêu độ, đều nương vào huyền khoa mà chế lập, phất phơ trước đàn tiền, nương gió bay bổng, u hồn mười phương nhờ phan này, một niệm quy y có thể đại tội tùy gió mà tiêu diệt, địa phủ khai thái, tảo thăng Nam cung”.
Tuy nhiên, trạng thái “linh phan” ở đây được mô tả “phiêu đãng bản vô phong” - linh phan lay động vốn không do gió. Đây vốn là một điển cố xuất phát từ Thiền Tông Trung Hoa, gắn với tích Lục Tổ Huệ Năng. Điển tích này chính là một công án Thiền Tông nhằm phát dương hệ thống tư tưởng, lý luận Phật học Đại Thừa. Chuyện kể rằng ngài Huệ Năng nhớ lời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dặn, ẩn nương nơi Huyện Tứ Hội. Thấm thoát ngày tháng thoi đưa, mười lăm năm trôi nhanh như thổi. Ngài Huệ Năng bèn nghĩ: “Ta chẳng nên ẩn dật mãi, bây giờ đã đến lúc ta nên hoằng hóa Phật Pháp”. Ngài đi đến Chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, hôm ấy Ấn Tông Pháp Sư giảng Kinh Niết-Bàn. Tự nhiên có một luồng gió mạnh thổi động lá phan, mọi người đều thấy thế, một thầy Tăng nói:
- Gió động.
Một thầy Tăng khác nói:
- Phan động.
Hai thầy Tăng lời qua tiếng lại hoài chẳng dứt, thấy thế ngài Huệ Năng bước tới nói lớn lên rằng:
- Không phải gió động, cũng chẳng phải phan động, ấy là tâm của quý Thầy động mà thôi.
Mọi người nghe nói đều kinh ngạc, Ấn Tông Pháp Sư thấy vậy liền mời Ngài ngồi chỗ trên hết, và hỏi những nghĩa lý huyền ảo, đều được Ngài trả lời trôi chảy với ngôn ngữ giản dị, nghĩa lý thích hợp mà chẳng do văn tự.
Ấn Tông Pháp Sư nói:
- Hành giả hẳn chẳng phải là người thường, đã lâu tôi có nghe nói Y Bát của Ngũ Tổ đã truyền cho Lục Tổ về phương Nam, có phải về tay hành giả không?
Ngài trả lời tỏ ý khiêm nhường:
- Tôi không dám.
Có thể thấy, trong đề cương đầu tiên nhắc nhiều về linh phan, xoay quanh câu chuyện của Lục Tổ Huệ Năng của Phật giáo Thiền Tông. Ngoài ra, các câu thơ còn lại chỉ nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của điển cố này, có thể kể đến như “Ngộ liễu tương tri triệt để không” - giác ngộ triệt để Không.
Liên quan câu chuyện “phan động”, “phong động”, có thể liên kết với việc “quán tâm” trong tư tưởng Đạo giáo. Khi nhắc đến tâm là nhắc đến sự phân chia sai biệt - tâm vọng động với những đặc tính gần gũi điều mình thích, xa lánh thứ bản thân ghét bỏ. Tựa như câu chuyện “phan động”, “phong động”, nếu tâm lựa chọn thiên hướng về bên nào, thì sẽ khu khiển tình chí, hành động tương thích với bên đó. Điều này dẫn đến các sự tranh chấp không ngừng vì cá nhân ai cũng cho rằng mình đúng và đang bảo vệ lý tưởng xác đáng của bản thân. Cách để chẳng rơi vào trạng thái tranh chấp đến hao tổn thần trí, trước hết phải nhận thức được bản tính dao động của tâm - giống như lời Huệ Năng Thiền sư nói - “Tâm động”, chính là đang nhắc nhở tâm có sự vọng động, loay hoay bám víu vào điều chính nó ưa thích.
Câu chuyện của Huệ Năng Thiền sư còn liên quan đến thuyết duyên khởi, tính Chân Như của vạn vật, làm sáng tỏ thêm thuyết Vô Ngã của Phật học. Song, trong tư tưởng Đạo giáo, chúng sinh sở hữu một bản ngã bất diệt, mang tên nguyên thần. Nguyên thần này được Đại Đạo tạo ban, là thường hằng, là bất diệt và là duy nhất. Theo đó, qua các kiếp, chỉ có tình trạng (con người, súc sinh, ngạ quỷ…) là thay đổi, nguyên thần không thay đổi. Trường Sinh Diệu Kinh nói: “Thất nguyên chính lệnh, kết nhân nguyên thần” - Bắc Đẩu Thất Nguyên Quân thi hành thiên lệnh, kết tụ nguyên thần chúng sinh. Hay như trong Sinh Thần Chương Kinh, thuật về việc vạn vật khai sinh: “Cửu khí liệt chính, nhật nguyệt tinh tú, âm dương ngũ hành, nhân dân phẩm vật, tịnh thụ sinh thành. Thiên địa vạn hóa, tự phi tam nguyên sở dục, cửu khí sở đạo, mạc năng sinh dã” - Vạn vật sinh thành do Tam Nguyên nuôi nấng, thụ bẩm Âm-Dương, Ngũ hành… Nhưng đến đoạn kế “Nhân chi thụ sinh ô bào thai chi trung, tam nguyên dục dưỡng, cửu khí kết hình. Cố cửu nguyệt thần bố, khí mãn năng thanh, thanh thượng thần cụ, cửu thiên xưng khánh. Thái nhất chấp phù, đế quân phẩm mệnh, chủ lục lặc tịch, tư mệnh định toán, ngũ đế giam sinh, thánh mẫu vệ phòng, thiên thần địa chỉ tam giới bị thủ.” - người sinh làm bào thai, có các vị thiên thần thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, Thái Nhất đóng vai trò phú nguyên thần vào trong, các vị Thánh Chân cùng tụng Sinh Thần Chương để chúng sinh được sinh ra. Theo đó, nhờ hạnh lực của Sinh Thần Chương - thần diệu của Tam Bảo Quân mà khi Thái Ất chú rót, vạn thần xướng tụng, nguyên thần nơi thân xác ấy liền đầy đủ. Có thể nói, điển cố “phan động, phong động” chỉ dừng lại ở việc quán tâm chứ không nhằm đánh đồng các học thuyết khác giữa hai nền tôn giáo - Đạo giáo và Phật giáo.
Đối với bản văn, “Linh phan phiêu đãng bản vô phong” - lá phướn bay bổng vốn không do gió. Một điều hiển nhiên rằng lá phướn này không phải đề cập đến cờ phướn Phật giáo, mà chính là phướn triệu thỉnh dùng trong khoa nghi Âm sự Đạo giáo. Có thể thấy, tác giả bản văn đã mượn lấy và nội hàm cả điển cố của Lục Tổ Huệ Năng trong một câu thơ ngắn gọn. Trước hết, tác giả mang điển cố này vào nhằm nhấn mạnh tính “thần thánh” của một lá linh phan. Phan này lay động chẳng phải do gió bình thường mà nên, bởi vốn là nơi các linh hồn bám víu khi được chiêu tập đến nơi đàn tràng và là khí cụ để dẫn dắt vong linh - “hồn tùy phan dẫn thượng Nam Cung” - hồn nương vào phan dẫn dắt lên Nam Cung.
Về bản chất, phan này chỉ là vải, là mực, làm sao có được diệu lực đưa hồn đến Nam Cung như vậy? Xin thưa: Phan này chỉ là hình tướng phương tiện. Đại Đạo Vô Vi cứu độ hằng hà sa số quần sinh nhưng chẳng thể hiện, tự nhiên như không làm gì. Muốn cho các giống hữu tình chúng sinh, giống loài hữu vi thấy được, trí tri được, phải mượn pháp phương tiện, khí cụ cụ thể để diễn giải ý nghĩa đó. Việc “thần thánh hóa” linh phan không phải khiến cho lá phướn này trở nên siêu việt, mà chính là hình tượng hóa ân điển Đại Đạo bằng chính lá phướn làm từ vải, viết nên từ mực kia.
Như đã biết, trên Thiên Thần Phan có ghi danh hiệu Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn cùng Thập Phương Linh Bảo Cứu Khổ Tôn. Theo đó, chân quang đại từ đại bi của Thiên Tôn hóa hiện, ánh chiếu lên phan, vong hồn nương theo quang minh từ phan mà đến phó đạo tràng. Cũng tựa vào ánh quang của Thiên Tôn, mà vong linh giác ngộ sắc thân này phi chân, sắc phan bản không, nhờ chân quang mà cảm ứng, nương chân phan mà dẫn đến nơi thiên đường diệu cảnh.
Linh phan phiêu đãng không phải do gió. Cờ phướn dao động ở đây chẳng phải gió thổi mà lay động, chẳng phải phiêu đãng trong gió mà động. Sự lay động chính là do vong hồn phó phụ vào linh phan, nương vào đây để phó đạo tràng và canh sinh thượng giới. Nếu “phan động, phong động” của Phật giáo nhấn mạnh tính vọng động của vọng tâm huyễn hoặc, thì ngay trong bản văn, “bản vô phong” nhấn mạnh vong hồn đã chết, chỉ là “hồn tùy phan dẫn” - một linh hồn nương vào phan mà được dẫn lối. Đồng thời, tất cả khát vọng chấp trước, tất cả các vọng tưởng sai biệt (như câu chuyện tranh cãi của hai vị Tăng) đều là hư vọng, linh phan không động, gió cũng không động, động chính là tâm chấp mê của kẻ đã chết. Điều kiện đầu tiên tiên quyết để được phúc siêu sinh là thừa nhận mình đã chết cùng sự hối cải. Một khi không thể buông xả chấp mê, nhất thời không thể đón nhận ân điển thụ độ canh sinh - “Minh minh thủy giác tòng tiền ngộ; Ngộ liễu phương tri triệt để không”.
Vong hồn trong bản văn được mô tả “tùy phan dẫn” ý chỉ u linh phải nhờ vào lá phướn này dẫn dắt, nhấn mạnh tính quan trọng của linh phan. Lại nữa, kết cùng nói “linh phan tiện thị chủ nhân công”. Không đâu khác, “chủ nhân công” chính là nhắc đến Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn. Có thể thấy, bản văn một lần nữa khẳng định phan này chính là Hồng ân của Cứu Khổ Thiên Tôn chú rót, là phương tiện để cứu độ vong hồn, dẫn dắt chúng đến Nam Cung. Vong hồn muốn đến được Nam Cung, tất yếu phải nhờ linh phan, mà phan này chính là do Cứu Khổ Thiên Tôn ban bố ân điển. Theo đó, điều khiến vong hồn được đến Nam Cung để thụ độ canh sinh là Hồng ân Đại Đạo, thể hiện qua hình tượng Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn.
Nam Cung được nhắc đến là Chu Lăng Nam Cung do Chu Lăng Độ Mệnh Thiên Tôn quản hạt. Trong “Tam Nguyên Phẩm Giới Kinh” viết: “Chu Lăng Nam Cung, độ nhân chi cách, hữu tam đẳng, phân tam niên, cửu niên, nhị thập tứ niên, giai canh sinh hạ giới vi quý nhân, tạ kỳ tiên duyên, sinh nhi năng hảo học, bất tất tái kinh sinh tử, tiện đắc thần tiên”. Chu Lăng Nam Cung, có quy cách về việc độ nhân, phân ra làm 3 đẳng: ba năm, chín năm, hai mươi bốn năm, có thể canh sinh nơi hạ giới thành quý nhân. Nếu siêng năng học hỏi tu trì, có thể đắc đạo thần tiên. Nam Cung có tên đầy đủ là Nam Thượng Chu Cung, Xích Đế Luyện Độ Hồn Sảng cung tại nơi Cách Tân Hồn Hỏa Phủ Cung, ám chỉ đến nơi luyện độ vong nhân. Một số truyền thống cho rằng sau khi đến Nam Cung thụ độ, vong hồn đi đầu thai, nếu kẻ nào tùy công quá tội phúc và quá trình tu học, diễm phúc đắc sinh vào Tiên Tử Đạo, thời sẽ đến Đông Cực Trường Lạc Giới, Cứu Khổ Môn Đình.
Có thể thấy, trong tư tưởng Đạo giáo, điển cố “phan động, phong động” được mượn lấy để thể hiện yếu tố: giác ngộ và tầm quan trọng của Thiên Thần Phan. Một mặt, tính giác ngộ nhắc nhở vong linh rằng họ đã chết, đã không còn sinh tâm cố chấp, bấu víu vào sinh mệnh sống, tựa như không còn vướng vào tranh luận “phan động” hay “phong động”. Mặt khác, Thiên Thần Phan quan trọng vì đó chính là Hồng ân Cứu Khổ Thiên Tôn chú rót một cách nhiệm mầu, chính đó là cầu pháp, bắc ngang qua ái hà khổ đau để chúng sinh đến với bờ Đại Đạo - được ân phúc thụ độ canh sinh.