Trong “Khâu Tổ thùy huấn văn”, Khâu Trường Xuân Chân Nhân đề cập “Pháp hữu Tam thừa”: Thượng-Trung-Hạ. Tam thừa ấy, chẳng phải phân chia cấp bậc cao thấp sang hèn mà đích thị là hệ thống lại phương pháp tu tập. Mỗi cá nhân, tùy phương tiện, tùy hoàn cảnh mà ứng với các pháp khác nhau. Theo đó, pháp tốt nhất là pháp tương thích với bản thân mỗi người.
Phàm trung thừa ấy, bỉnh tâm diễn giáo, lễ sám tụng kinh, phúng diễn khoa nghi Thái Thượng, lễ tụng bảo cáo Thiên Tôn, tín tâm khẩn đảo Chân Thánh. Lại kiền tâm tu trai, thanh tĩnh thân tâm, xiển dương đại đạo, nhất niệm thuần chân, thường tồn chính pháp. Trung thừa pháp môn lấy tụng kinh lễ sám làm chủ yếu, nương nhờ vào “kinh công hạo lực” đặng siêu bạt chính mình cho đến oan khiên trái chủ, thậm chí là tội nghiệm khiên triền đang quấn buộc thân tâm.
Hạ thừa ấy, tu cung kiến miếu, ấn kinh tạo tượng, xây cầu làm đường, kiêng sát sinh mà quý vật, pha trà chế thuốc, phát huy lòng từ, tránh xa lòng dữ. Hoặc giúp đỡ người bần cùng, có lòng khiêm cung, kính trọng thầy trò, bạn bè, hiếu khách, thương người già, yêu trẻ nhỏ. Hạ thừa pháp môn lấy tế thế lợi nhân làm đầu, hy sinh bản thân, lợi người lợi vật. Việc giúp đỡ quần sinh, như cách bản thân ta được phép “cộng tác” với Thiên Tôn trong quá trình phu diễn giáo pháp, cứu bạt quần phẩm. Theo đó, hành theo hạ thừa pháp, đừng lo lắng về được mất của mình, đừng lay lòng vì yêu ghét bản thân, đừng loạn tâm trong sinh lẫn tử. Đời sống trôi đi như mây trời, sống là sống trọn vẹn, chết là hết chẳng điều luyến tiếc. Việc thực hành hạ thừa pháp thực tế cũng là đang phát huy trí huệ nơi mình. Khi có gốc trí huệ này, đường tu Trung thừa, Thượng thừa chẳng tách xa.
Thượng thừa ấy, tu chân dưỡng tính, khổ chí tham huyền, chứng hư vô chi diệu đạo, phát thiên địa chi chính khí, trừ trần thế chi oan khiên; quảng hành phương tiện, đại tích âm công. Thượng thừa pháp nhằm truyền bá chính pháp, cứu bạt tồn vong u khổ. Đó không chỉ là tu cho riêng mình, mà nương vào chính pháp, khí cụ, phương tiện để làm phúc điền – ruộng phúc cho người sống cũng như kẻ mất, tông quyến cũng như thiên hạ.
Tam thừa pháp môn, tuy ba như hòa quyện chẳng thể tách rời, mọi việc đều là “phương tiện” – Nhất thiết phương tiện thị tu chân – mọi phương tiên đều hướng đến việc tu Chân cầu Đạo vậy!
Giáo pháp Thiên Tôn ứng vật ứng nhân mà phu diễn. Theo đó, đạo chúng không cần chấp vào một pháp nào cố định. Các Tổ truyền trao hậu nhân giáo pháp, con đường để hướng dẫn chúng ta. Chúng ta học hỏi trên chính hành trình bản thân đi và kết nối với Đại Đạo qua từng hành vi nhỏ nhoi cho đến to lớn trong đời. Không có phương pháp nào là hay hơn, hay nhất mà điều hay, điều tốt phải hỏi chính mình: Đâu là điều phù hợp?
Mặc dù Thiên Tôn, lịch đại tổ sư truyền trao giáo pháp nhưng “tu hành tại cá nhân”, việc tu trì phải dựa vào nỗ lực, ý chí của bản thân trên đường phục mệnh quy nguyên. Nếu chỉ ỷ y vào giáo pháp, không cố gắng tu trì, thời chính bản thân ta trở nên lười biếng, chẳng còn giữ trọn “sơ tâm” như thuở ban đầu phát tâm tu tập vậy!
Biên soạn: Long Môn