Thượng thiên quý sinh, thường tế vật lợi nhân, như trong Thanh Huyền Bảo Sám nói: “Hiếu sinh cứu vật bản ngã Đạo chi tự nhiên”. Ngay từ trong giai đoạn Ngụy-Tấn, Đạo giáo đã nêu rõ quan điểm về việc quý trọng sinh mệnh thông qua bộ Độ Nhân Kinh với câu nói kinh điển: “Tiên Đạo quý sinh vô lượng độ nhân”. Theo đó, trong quá trình diễn tiến tiên tông, các vị tôn thần dần được thế nhân tri thức phần nào, qua đó thêm phần sáng tỏ bản tính từ bi nơi Đại Hóa. Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn chính là biểu trưng có bản tính từ cứu của Đại Đạo vậy!
Trong “Thái Ất Cứu Khổ Hộ Thân Diệu Kinh”, Nguyên Thủy Hư Hoàng mới cắt nghĩa rằng: “Nhữ thị Ngô chi khí, Ngô thị nhữ chi căn, nhữ tri ngô tri, thử thị cửu dương chi tinh, thậm linh thậm linh”. Thái Ất Thiên Tôn là hóa khí từ chính Nguyên Thủy, Nguyên Thủy là căn cội của Ngài, bởi thụ bẩm Cửu Dương Tinh mà kết thành chí chân diệu đạo, mầu nhiệm vi tế. Trong bản văn cũng nhắc đến việc Lão Quân nghe Thiên Tôn tỏ lời, bèn nhắm mắt định thần, chú rằng: “Nguyên Nguyên chi tổ khí, diệu hóa cửu dương tinh. Uy đức bố thập phương, hoảng hoảng hiện kỳ chân. Tam cửu dương phong xuất, bồi hồi ly thủy thanh. Cung kính sinh quỳnh dịch, phụng chi miễn khát cơ. Vạn linh đương tín lễ, bát khổ bất năng tùy. Tích hành trì khoa giới, đề huề chứng ngọc kinh”. Có thể thấy, Thái Ất Thiên Tôn chính bởi Nguyên Nguyên Tổ khí nơi Hư Hoàng mà sở hóa “Cửu Dương Tinh” rồi kết thành kim thân.
Trong “Tam Quan Kinh”, bản văn nhắc đến việc sau khi hành trì Tam Quan trai giới viên mãn, lại thực hiện Tứ Pháp Tam Đẳng lũy hành chí thiên, kẻ tu hành có thể cảm động Cao Chân mà giáng phúc diên sinh. Ơn huệ tứ phúc, xá tội, giải ách không chỉ thụ lãnh riêng mình, mà còn hồi hướng đến tiền nhân tông tổ, tồn vong lưỡng đồ. Với những kẻ đắc ngộ lương duyên lành hảo, có thể vãng sinh nơi Đông Cực Thiên Giới. Thanh Huyền Pháp Sám viết: “Thanh Hoa Trường Lạc giới, bản vô thanh vô sắc chi thiên; Đông Cực Diệu Nghiêm cung, hữu đại từ đại bi chi phụ”. Thanh Hoa Trường Lạc giới là cõi vô thanh vô sắc, chốn bảo địa cho kẻ tu hành. Phàm chúng sinh nếu sở hữu đạo tâm trong trẻo, đạo duyên quảng đại có thể được tiếp dẫn vãng sinh nơi này. Khi đã đến nơi, tức “chỉ hữu thiên đường vô địa ngục”. Nơi ấy gọi là Tịnh Thổ vậy!
Đông Cực Diệu Nghiêm Cung, Cứu Khổ Môn Đình có đấng đại từ đại bi Thái Nhất Cứu Khổ Thiên Tôn. Từ muôn muôn triệu kiếp, Ngài phát tâm thệ nguyện cứu độ quần sinh. Thiên Tôn là đấng tử kim thụy tướng, ngự trên Cửu Sắc Liên Hoa Tọa giữa Phương Khiên Lâm mà thuyết diệu pháp hòng khai minh tâm trí quần linh. Kẻ nào diễm phúc văn kinh thính pháp nơi này như chỉ cách Bồng Lai nửa bước. Bước này gọi là siêu phàm nhập thánh, cải tử hoàn sinh, vĩnh ly khổ nạn... chỉ có thể ngộ, chẳng thể nào cầu. Tựa hồ phải tích hành vô thượng huyền công, chứng nghiệm vô vi diệu lý mới đạt được. Nhanh thì một sát na, chậm thì muôn vạn ức kiếp. Nhanh hay chậm phải tùy vào căn số cơ duyên.