Ngũ Niệm Tín Đạo

Thứ bảy, 30/11/2024, 22:16 GMT+7

Lão Quân phán cùng Trương Thiên Sư rằng: “Đạo Lăng, ngươi nay lấy tín tâm mà nghe đặng, Ta vì ngươi mà tuyên thuyết. Tất tiên suy tưởng đến Đạo nên giữ Ngũ niệm, sau đặng ngộ Đạo.

Biên soạn: Đạo sĩ Vô Danh Tử

Tiên tượng Tam Thanh Đạo Tổ tại Thegioitamlinh.vn

Thứ nhất, nên thường hướng Đạo mà thanh tĩnh, giả như uế trọc cầu Đạo, ấy chẳng phải chân chính.

Thứ hai, nên hướng Đạo mà xa rời sắc dục, giả như sắc dục mà cầu Đạo, Đạo chẳng thể đốn ngộ.

Thứ ba, nên hướng Đạo mà chẳng xuôi theo lẽ tục, thuận phàm tục mà cầu Đạo, càng rời xa Đạo.

Thứ tư, nên hướng Đạo mà chẳng chấp nặng những điều cấm kỵ, tu hành khó tỏ chân thường. Thứ năm, nên hướng Đạo mà hiểu rằng đó là pháp vô vi, vì là vô vi nên khó lòng hành cho trọn vẹn…”

Theo đó, có năm điều mà Lão Quân dặn Thiên Sư, mang những ý nhị sâu sắc trong đời sống tu trì.

Tất tiên, Đại Đạo vốn thanh tĩnh vô nhiễm, chẳng nên lấy uế ô trọc nhơ mà cầu lấy Đạo pháp. Trong “Vãn Đàn Công Khoá Kinh” của Toàn Chân có câu: “Chân tâm thanh tĩnh Đạo vi tông”, cầu đắc Thanh Tĩnh chính là trạng thái mà kẻ tu học thường tâm niệm. Thanh tĩnh cả trong tâm hồn lẫn ngoài thể xác; thâm tâm chẳng bị thất tình lục dục quấy nhiễu; hình thể chẳng bị ngoại vật cám dỗ đến độ mất đi chân tính. Cầu thanh tĩnh chính là cầu Chân Đạo, ấy xưng rằng: “Thanh dĩ tu thân; Tĩnh dĩ tư Đạo”.

Thứ đến, muốn cầu Đạo phải xa rời sắc dục. Ở đây, sắc dục là sự biểu trưng cho những ham muốn cơ bản hoặc cao cấp. Trong Bàn Khê Tập, Khâu Tổ viết răng: “Bất kham hạ liệt chúng sinh tính, nhật dạ bôn trì hướng ngoại cầu”

- “Không chịu được chúng sinh tính kém cỏi; Ngày đêm chạy theo hướng ngoại cầu” (quyển 2); “Bỉ thử chúng sinh tính, triều hôn tạp niệm ma”

- “Kìa như chúng sinh tính; Sớm tối tạp niệm nhiều” (Quyển 4).

Theo đó, “chúng sinh tính” ưa chạy theo ngoại vật, cho nên ngày đêm bị quấy nhiễu bởi các tạp niệm - trở nô lệ cho những ham thích thay vì vị thế làm chủ, chế khiển chúng. Khi mọi chấp trước và ham muốn được tiết độ, con người sẽ trở về thuần phác với bản tính, Đạo tâm hiển xuất. Nghĩa là khi dục vọng ích kỷ hay sự chấp trước chi phối tâm, bản thân nó sẽ vượt ra khỏi sự khu khiển, theo thói quen trở nên mù quáng, mất đi bản chất thực sự của chính mình; Khi bản tâm chiếm ưu thế, con người biết cách tiết độ những ham cầu và chấp trước, khiến tâm trở nên bình hoà, Đạo tâm thời phá vỡ những rào cản của nhân tâm và hiển lộ bản chất thực sự.

Kế tiếp, học Đạo không buông xuôi với những điều trần tục; càng tuân theo những điều trần tục, càng rời xa Đạo. Bất kể tôn giáo nào cũng có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thời thế thông qua nhiều hình thức như nghi khoa, sư sự, lễ bái…

Tuy nhiên, các giá trị căn bản vẫn có điều phân định, không hòng buông xuôi với đời sống phàm tục. Giả như các khoa sự, cùng đích của bất cứ khoa sự nào cũng đề cao sự hướng đến Đại Đạo. Tuy nhiên, qua nhiều thời gian, thời điểm, có những mục đích mang tính “thế tục hóa” hoặc “mại thánh”, gây mất đi tính linh thiêng của pháp môn.

Sự tục hóa thường biểu hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân (danh tiếng, tài lợi), không chứa đựng lòng thành kính (hình thức bề ngoài) hoặc mưu tài lợi kỷ. Bởi vậy, với thân phận đạo sĩ, bất cứ cá nhân nào cũng cần cân nhắc khi cử hành khoa sự và cải đổi kịp thời. Đơn cử, không thể vì một tín sĩ cầu tài mà hành Tài Thần khoa nghi, thay vì hướng họ vào những tư cầu nhưng nên hướng họ đến việc tuân hành đức công bình nơi tâm, cử hành Tam Nguyên triều khoa hoặc Cửu Hoàng Triều là cách tối ưu, trong văn sớ có dâng ý lễ của tín sĩ mang tính khái quát và cả cho tất thảy mà không đơn thuần cá biệt riêng tư.

Nữa là, người tu học không nên lấy sự kiêng kỵ mà áp đặt một cách rập khuôn, thời sẽ dễ làm lu mờ chân lý Huyền Tạo. Đạo môn có nhiều cấm kỵ về uy nghi hành trì, về cách chào hỏi, cư xử, nhưng đi song hành với các lối cấm kỵ đó là sự tương thích theo từng đối tượng cụ thể. Với một người học Đạo, cần biết giá trị cốt lõi được biểu hiện qua hình thức, không nên chấp hình thức mà gây ức chế, thậm chí là phản cảm đối với người xung quanh. Đơn cử như “Mậu bất triều Chân”, quy định đạo sĩ nhằm Mậu không lễ bái hương đèn, không trình chương tấu biểu,… đó là nghi sự đối với Thánh Chân với tâm niệm tuân theo sự biến đổi của tạo vật, với luật Trời. Song, “Mậu bất triều Chân” không cần phải cứng nhắc áp dụng cho những cá nhân khác ngoài phạm vi Đạo giáo. Những cấm kỵ là nên tuân thủ để duy trì truyền thống và nối tiếp ý nghĩa của tông giáo, nhưng đừng rập khuôn gây khó khăn cho đời sống thế nhân.

Cuối cùng, nên hướng Đạo mà hiểu rằng giáo pháp Thiên Tôn vốn là pháp vô vi, vì là vô vi nên khó lòng hành cho trọn vẹn. Bởi chúng sinh là hữu vi, nên cần các pháp môn phương tiện để đạt được sự vô vi vậy! Nói thế không phải chê khinh các phương tiện pháp môn hiện hữu, mà cốt ở điểm hướng thế nhân đến ý nghĩa cốt lõi, giá trị căn bản của pháp môn, tránh rơi vào mê tín lầm đường. Thí dụ, “Tôi dâng sao giải hạn với mâm cao cỗ đầy, tiền bạc rủng rỉnh, để qua tai ách, thoát kiếp nạn” - đó là mê tín dị đoan; “Tôi dâng sao giải hạn hoặc các lễ nghi khác như một phương tiện biểu đạt về niềm tin trọn vẹn, quy phục Đại Đạo, quảng kết thiện duyên từ đó có thể êm đềm trên hành trình đời mình dù đối mặt với gian khó vì đã có Đại Đạo là điểm tựa vững chắc” - đó là đức tin. Hoặc như câu chuyện của việc vẽ Phù, Phù cũng là một thuật, nhằm chức năng câu rước ân điển Huyền Tạo để biểu đạt chức năng của lá phù ấy. Phù không phải là dùng “tu vi” của người hoạ theo kiểu “người nào pháp lực cao siêu sẽ vẽ phù mạnh, người nào thấp sẽ vẽ phù ít linh” - đó là mê tín. Phù là một hình thức chuyển tải những điều ý nhị không thể diễn tả qua văn ngôn. Hiểu đơn giản, phù cũng như các chữ nhưng thể hiện theo kiểu kí hiệu huyền bí. Mặc dù người hoạ phù cũng yêu cầu một số điểm như truyền thừa, pháp chức, song đó chỉ là tư cách vẽ phù, không thể hiện tính siêu việt của người thực hiện.

Con người như một chén rượu đang hứng ân điển Đại Đạo tứ ban từ hằng hà số kiếp. Hướng Đạo, cầu Chân là một cách canh tân đời mình, thay chén rượu kia bằng bát nước, thay bát nước kia bằng bình chứa, ta thêm mới mẻ hầu đón rước ân điển Huyền Tạo ngày một đầy đặn. Trong cả sự canh tân cũng đã bao hàm sự thay đổi, sửa chữa qua từng ngày. Nhưng sự canh tân không nằm chỉ riêng mỗi mình đời sống cá nhân, ai ai cũng cần có tâm nguyện làm phúc điền cho vạn hữu, với tâm thế mong muốn sinh sản hoa trái linh thiêng tồn tại và hiện hữu dài lâu miên trường, với hy vọng khát khao mọi người cũng được chung hưởng dòng suối thiêng liêng từ Đạo Cả. Trong ta - Tam giới bách thị thân - Ba cõi trăm họ đều là thân nhân - Là tình yêu to lớn trong hoàn vũ - lợi mình lợi người vậy!

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn