Dương cửu bách lục chi tai; tam suy bát nạn cửu hoành ngũ khổ chi ách

Thứ bảy, 30/11/2024, 22:08 GMT+7

Trong “Nhương Tai Độ Ách Chân Kinh”, bản văn thuật chuyện một thuở nọ, Thiên Tôn tại nước Thiền Lê, cùng Đại Đạo Chân Tiên vạn vạn đại thiên thần, các vị thiên tôn cho đến các thiên long quỷ thần, cùng đến tập hội. Thiên Tôn mới chỉ rõ pháp của Nhương Tai Độ Ách Chân Kinh rằng muốn thoát khỏi tai ách, chỉ có cách “duy nguyện kim đối” – phủ phục lễ bái trước Ngọc Hoàng Thiên Tôn – là Đấng Đại Đạo Chân Thánh mà tỏ lòng, thực hiện việc sám hối giải nhương. Theo đó có thể miễn trừ “dương cửu bách lục chi tai, tam suy bát nạn, cửu hoành ngũ khổ chi ách”. Nay cùng nói qua các ách nạn này.

(1) Dương cửu bách lục: ám chỉ các họa hoạn, tai ách kéo dài liên miên. Cụm từ “Dương cửu bách lục” được đề cập sớm nhất vào đời nhà Hán. Theo “Hán Thư – Cốc Vĩnh Truyện” thuật lại vào năm thứ nhất hiệu Nguyên Diên (năm 12 TCN), Cốc Vĩnh khi ấy là Thái Thú đất phương Bắc, gặp nhiều tai họa cùng dị tượng. Cốc Vĩnh mới nói cùng Hán Thành Đế rằng: “Bệ hạ thừa nương vào công nghiệp tám đời, nay đương vào chỗ Dương số tiêu quý, gặp phải quái vận Vô Vọng, nên có bách lục tai ách, tam nan dị khoa, cùng hỗn tạp mà hội tụ”. Về sau, Mạnh Khang chú “Dương số chi tiêu quý” là “Dương cửu chi mạt quý” – nghĩa là đến thời cùng tẫn, lại nói “Trực bách lục chi tai ách” để ám chỉ các tai ách hiển xuất liên miên, nguy khốn đến phần lớn đời sống sinh dân.

(2) Tam suy bát nạn: Tam suy có hai giả thuyết đề cập: Một cho rằng đồng nghĩa với Tam độc (tham-sân-si), một lại cho rằng là “Thân suy”, “Gia suy”, “Vận suy”. Ở điểm Tham-Sân-Si đã nói đề cập nhiều, ở đây không luận bàn thêm. Song với việc “Thân suy”, “Gia suy”, “Vận suy”, đây là một quan niệm khởi đi từ tư tưởng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nhấn mạnh đến các thứ tự trọng yếu từ việc tu sửa bản thân, sau đó đến gia đình, quốc gia, thiên hạ. Một khi thân suy – đạo đức, lễ tiết chẳng màn, gia đình liền bất hòa, vào cảnh suy vong. Thân và Gia đều suy, nhà nhà đều trở nên lỗi tội, ắt chiêu cảm thời vận nguy khốn vậy!

Liên quan đến bát nạn (hay bát nan) có nhiều thuyết đề cập. Trong “Vô Thượng Bí Yếu” đề cập: nhân sinh đạo nạn, đắc vi nam tử nạn, sinh trung quốc nạn, sinh vương hầu quốc sư đạo sĩ nho lâm gia nạn, mỹ dung minh tài nạn, tín đạo nạn, hành đạo nạn, đắc đạo nạn. Nghĩa là khó sinh nhân đạo, khó đắc nam thân, khó vào trung thổ, khó là vương hầu quốc sư đạo sĩ nho lâm gia, khó đắc dung mạo đủ đầy xinh đẹp, khó mà tin Đạo, khó mà hành Đạo, khó mà đắc Đạo.

Trong “Độ Nhân Kinh Tập Chú” lại đề cập một cách đơn giản hơn rằng Tề Nghiêm Đông nói tam đồ, ngũ khổ hợp thành bát nạn.

Một số điển văn khác lại có những thuyết khác nhau như: “Đạo Điển Luận” quyển thứ ba, dẫn lại “Linh Bảo Chân Nhất Tự Nhiên Kinh Quyết”, thuật bát nạn là: Vương hầu đạo sĩ dân nhân đắc sinh vi nhân, xá nữ tác nam, nhất nan dã; đắc sinh tác nam nhi dục tài trí minh viễn, hình dung đoan vĩ, nhị nan dã; chư thiện dĩ bị, nhi dục đắc sinh hữu đạo chi quốc, tam nan dã; bần cùng nhi hảo đạo, thị tứ nan dã; phú quý nhi tín thượng đạo sĩ, tôn phụng kinh thư, vi ngũ nan dã; năng thụ nhân chi ác, nhi bất dữ chi giác, vi lục nan dã; đắc kiến tam động bảo kinh nhi cần tụng cung dưỡng, thị thất nan dã; trị kiến tiên chân thuyết pháp giáo hóa chi gian, nhi đồng chí tương ngộ, thị vi bát nan dã. – Vương hầu, đạo sĩ, dân nhân đắc sinh làm người, khó được xá nữ mà đắc nam thân; Khó sinh làm nam thân mà được hình dung đoan chính, tài trí minh viễn; Khó sinh vào quốc gia hữu đạo; Khó có kẻ bần cùng mà hiếu Đạo; Khó có kẻ giàu mà tôn kính đạo sĩ, kinh thư; Khó có kẻ gặp người ác mà tự phát giác; Khó có kẻ gặp Tam Đỗng Kinh Văn mà tỏ lòng tôn kính; Khó có kẻ gặp được Tiên Chân thuyết pháp giáo hóa.

“Chúng Chân Giới Kinh” lại nói bát nạn gồm: Nhân ly tam ác đạo, đắc vi nhân nan dã; kí đắc vi nhân, khứ nữ vi nam nan dã; kí đắc vi nam, lục tình tứ thể hoàn cụ nan dã; lục tình kí cụ, đắc sinh trung quốc nan dã; xử trung quốc, trị hữu đạo phụ mẫu quốc quân nan dã; kí đắc trị hữu đạo chi quân, sinh học đạo hữu từ nhân thiện tâm nan dã; thiện tâm kí phát, tín đạo đức trường sinh nan dã; kí tín đạo đức, sinh thái bình chi vận vi nan dã.

“Vân Cấp Thất Thiêm” nói: Bất phế đạo tâm, nhất nan; bất tựu minh sư, nhị nan; bất thác nhàn cư, tam nan; bất xá thế vụ, tứ nan; bất cát ân ái, ngũ nan; bất khí lợi dục, lục nan; bất trừ hỉ nộ, thất nan; bất đoạn sắc dục, bát nan.

“Đại Đỗng Ngọc Kinh Sơ Yếu Thập Nhị Nghĩa’ lại nói: “Bát nan tức vương nan, ma nan, quân trận nan, ngạ cơ nan, ác nhân nan, độc dược nan, hành lộ nan, ác thú nan dã.”

(3) Cửu hoành ngũ khổ: Ngũ khổ là năm giống đau đớn. Ngũ khổ có sinh ngũ khổ và tử ngũ khổ. Trong đó, sinh ngũ khổ gồm: thân nô tỳ, chịu xa cách ly biệt; mù quáng si ngu chẳng gặp diệu pháp minh sư; cô quả đơn chiếc, ngoài mặt bình thường, nội tâm vô tình; thân gặp hoành sự, lao tù cùm gông; tuy có tuổi thọ, nhưng bệnh tật công phá. Lại có tử ngũ khổ chỉ năm hình khắc nghiệt ở địa ngục.

Trong Đạo giáo, Cửu Hoành là các nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của một chúng sinh. Được nhắc đến như: 1. Có bệnh mà chẳng thuốc chữa trị; 2. Gặp hình phạt khốc hại mà chết; 3. Quỷ tà đoạt tinh khí; 4. Sét đánh lửa đốt; 5. Nước dập sóng vùi; 6. Hổ xé trùng cắn; 7. Tường sập đá lở; 8. Trúng độc dược mà hại mạng; 9. Chết rét, chết đói.

Không chỉ giải nhương các tai ách hay các khắc hại nói trên, phàm kẻ nào tín phụng kinh pháp, còn được “như cầu như nguyện, sở lí bình an, xuất nhập hành tàng, sở cầu lợi ích, sở nguyện toại tâm” – như cầu, như nguyện, đi đứng bình an, ra vào hiện ẩn đều được lợi ích, sở nguyện được toại tâm. Có thể thấy, những lời không đâu nằm ngoài các chữ: “Quy y Đại Đạo – Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh”, phàm khi đã tín kinh tín pháp, hành Đạo liên lỉ, có tai nào mà không diệt, có phúc nào chẳng thể gia ân?

Nguồn: Long Môn

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn