Dương chi cam lộ

Chủ nhật, 24/11/2024, 13:01 GMT+7

Ất Cứu Khổ Thiên Tôn trong “Thái Ất Cứu Khổ Hộ Thân Diệu Kinh” được mô tả rằng: “左執甘露碧玉淨瓶。右執太玄空青羽枝” - tay trái cầm tịnh bình bích ngọc cam lộ, tay phải chấp nhành Thái Huyền Không Thanh Vũ; lại có đoạn mô tả Thiên Tôn hóa thân đồng tử cầm dương chi tịnh thủy mà cứu độ tam giới. Ở các tranh vẽ liên quan đến Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn, đạo chúng thường thấy Thiên Tôn cầm trên tay một nhành cây uyển chuyển, tay còn lại cầm một bát nước, dùng lấy nước ấy mà tế độ tồn - vong hai đường. Ở Phật giáo, hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tay cũng cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương. Ở bài viết này, xin được mạn đàm qua hai hình ảnh này vậy!

Trước hết, hình tượng Quán Thế Âm bắt đầu xuất hiện trong các bản dịch kinh điển Trung Quốc vào cuối đời Đông Hán (bản dịch của Chi Diệu trong “Thành Cụ Quang Minh Định Ý Kinh), sau đó, đến đời dịch giả Cưu Ma La Thập dịch kinh có quyển “Phổ Môn Phẩm”, đặt nền móng vững chắc cho đức tin về Quán Âm. Trải qua thời gian, các bản dịch liên quan đến Bồ Tát Quán Âm ngày một nhiều, có thể kể đến như: Ngô - Chi Khiêm - Duy Ma Cật Kinh; Tào Ngụy - Khang Tăng Khải - Vô Lượng Thọ Kinh; Tây Tấn - Nhiếp Đạo Chân - Vô Cấu Thí Bồ Tát Ứng Biện Kinh; Tây Tấn - Trúc Pháp Hộ - Chính Pháp Hoa Kinh, Quang Thế Âm Đại Thế Chí Thụ Quyết Kinh; Tây Tấn - Vô La Xoa - Phóng Quang Bàn Nhược Kinh; Hậu Tần - Cưu Ma La Thập - Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Ma Kha Bàn Nhược Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh; Bắc Lương - Đàm Vô Sấm - Bi Hoa Kinh; Đông Tấn - Phật Đà Bạt Đà La - Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh; Đông Tấn - Nan Đề - Thỉnh Quan Thế Âm Bồ Tát Tiêu Phục Độc Hại Đà La Ni Chú Kinh; Lưu Tống - Cương Lương Gia Xá - Phật Thuyết Quan Vô Lượng Thọ Phật Kinh; Lưu Tống - Đàm Vô Kiệt - Quan Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký Kinh; Tề - Pháp Hiến, Pháp Ý - Quan Thế Âm Sám Hối Trừ Tội Chú Kinh; Bắc Ngụy - Bồ Đề Lưu Chi - Thâm Mật Giải Thoát Kinh - Tùy - Xà Na Quật Đa và Cấp Đa - Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh… Phần lớn các kinh trên vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Tuy nhiên, trong các kinh điển kể trên (giai đoạn Hán đến Tùy), hình tượng Quán Âm chưa được khắc họa rõ nét, đôi khi chỉ là danh xưng, hoặc qua lời các vị khác mà tiên liệu sẽ trở thành Phật. Song, thần cách của Quán Âm có thể được nhìn nhận một cách cụ thể trong bản dịch “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh - Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”. “Phổ Môn Phẩm” miêu tả Quán Âm với hai đặc điểm: (1) Tính biến hóa khôn cùng, tùy cơ hóa hiện, ứng vật giáo hóa, có thể là thiên nhân, cư sĩ, nữ nhân v.v…; (2) Niệm danh hiệu có thể tránh được thất nạn (lửa, nước, gió, la sát, đao trượng, tinh quỷ, gông cùm, oán tặc), tam độc (tham, sân, si), nhị cầu (cầu nam được nam, cầu nữ được nữ). Hai điều này vốn không nổi bật và không chỉ có riêng ở Quán Âm mà còn có ở các vị Phật, Bồ Tát khác.

Điều đáng nói rằng trong giai đoạn Hán đến đầu Tùy, hình tượng Quán Âm vẫn chưa được tạo tác bởi hình tướng nữ thân, chưa có họa tác tay cầm nhành dương, tay cầm tịnh bình, mà mãi đến cuối đời Tùy, hình tướng này mới xuất hiện. Dẫn chứng khảo cổ cho thấy khai quật tại Đôn Hoàng, bức bích họa “Nam Bích Thuyết Pháp Đồ” niên đại Tùy triều có hình tượng Quán Âm, trên đầu đội tượng Phật, đeo vòng cổ, vong tay, mặc vận nhiều màu sắc, là tướng nam thân, tay phải cầm một nhành cây, tay trái cầm một bình nước. Sau giai đoạn này, từ thời Nam Tống về sau, các hình tượng liên quan đến Quán Âm được tìm thấy hầu hết đều là nữ thân.

Trong các bộ kinh Phật, “dương chi tịnh thủy” đã được nhắc đến từ rất sớm, tuy nhiên nhành dương ở đây không phải “dương liễu” như Trung Hoa, mà là một loại cây được người Ấn dùng hằng ngày. Theo đó, cành dương Ấn Độ được người dân nhai, dùng để làm sạch răng; tịnh bình, hay còn gọi táo bình, trong chứa nước sạch, dùng để tẩy rửa. Nói cách khác, chức năng của dương chi tịnh bình của Ấn Độ tương tự bàn chải đánh răng và nước dùng ngày nay. Đồng thời, ở Ấn Độ, khi chào đón, tỏ lòng thành kính, người dân họ thường tặng cành dương để biểu đạt sự tôn trọng. Theo như “Phật học đại từ điển” của Đinh Phúc Bảo, giải thích từ “dương chi” rằng: “Tây quốc thỉnh tục nhân, trước tặng xỉ mộc (cành dương Ấn Độ) và nước hương, cầu chúc kiện khang. Cho nên thỉnh Phật, Bồ Tát dùng lấy dương chi tịnh thủy. Quan Âm Sám Pháp mới rằng: ‘Ngã kim cụ dương chi tịnh thủy; duy nguyện đại bi ai liên nhiếp thụ’…”.

Thực ra, lý luận của Đinh Phúc Bảo vốn kế thừa trong “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện” của Nghĩa Tịnh đời Đường. Trong đó có đoạn “thực bãi khứ uế” rằng: Khi ăn xong, hoặc lấy đồ đựng, hoặc ở chỗ vắng, hoặc đến ao lớn, hoặc có thể đến thềm, hoặc tự cầm bình, hoặc sai người đưa nước, tay phải sạch súc miệng, nhằn tăm, xỉa răng, cạo lưỡi khiến cho sạch sẽ. Luật khác nếu còn tức không thành trai (sạch), rồi sau dùng vỏ cám đậu, hoặc khi đem đất nước trộn thành bùn chà môi miệng không còn mùi hôi, kế lấy nước sạch nơi tịnh bình đựng đầy chén, hoặc dùng lá tươi, hoặc vốc bằng tay, đồ kia và tay cần phải ba lượt rửa sạch (vỏ đậu, đất khô, phân trâu) rửa bỏ hôi dơ. Hoặc ở chỗ vắng tịnh bình súc miệng, hoặc ở chỗ hiển, Luật có văn ngăn, lược súc hai ba lần mới là sạch.

Về việc dâng lên cho Phật, Bồ Tát, phải kể đến bản dịch “Kinh Chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại” của Nan Đề đời Đông Tấn. Bấy giờ, nhân dân nước Tỳ Xá Ly mắc bệnh đại ác, Một là mắt đỏ như máu, hai là 2 lỗ tai tuôn ra mủ, ba là trong lỗ mũi chảy máu, bốn là lưỡi bị cấm không có tiếng nói, năm là các vật dụng để ăn liền đều hóa thành cứng rít, sáu là Thức bị ngăn bít giống như người say. Lại có 5 Dạ Xoa tên là Khất Noa Ca La mặt đen như mực, có 5 con mắt, lộ nanh hướng lên trên, hút tinh khí của con người.

Khi ấy trong thành Tỳ Xá Ly có vị Trưởng Giả tên là Nguyệt Cái cùng với 500 vị Trưởng Giả đồng hàng đi đến nơi Phật ngự, cúi đầu làm lễ, lui về một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Người dân của nước này đang bị Đại Ác, vị lương y Kỳ Bà đã dùng hết Đạo Thuật mà chẳng thể cứu nổi. Nguyện xin Đức Thế Tôn đem lòng Từ Mẫn vì tất cả mà cứu tế bệnh khổ khiến cho được khỏi tai hoạn”.

Sau đó, Đức Phật nói phương Tây có Đức Vô Lượng Thọ, có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí từ bi thương xót tất cả, cứu tế khổ ách. Phật khuyến thế nhân đem 5 vóc cúi sát đất hướng về nơi ấy làm lễ, đốt hương, rải hoa, buộc niệm sổ tức khiến cho Tâm chẳng tán loạn, trải qua khoảng 10 niệm, vì chúng sinh mà cầu thỉnh Đức Phật và 2 vị Bồ Tát ấy. Thời, theo ánh hào quang, được nhìn thấy Bồ Tát đứng ngoài cổng thành. Bấy giờ người dân Tỳ Xá Ly liền có đủ Dương Chi Tịnh Thủy (Nước trong sạch của nhành dương) đem trao cho Quán Thế Âm Bồ Tát. Cầu xin Đức Đại Bi Quán Thế Âm xót thương cứu hộ tất cả chúng sinh mà nói Chú. Như vậy, bản thân việc trị bệnh không phải do nhành dương hay nước, mà dâng dương chi tịnh thủy tỏ lòng thành, sau đó Bồ Tát cứu lấy người dân bằng uy lực của mình.

Quán Âm có nhiều hình dáng, từ đời Đường đã có nhiều danh xưng như Thiên Thủ Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm, Bạch Y Quán Âm,… Sau đời Đường-Tống, tại Nhật Bản trong bộ sưu tập “佛像圖彙 - Phật Tượng Đồ Hối” liệt kê ra ba mươi ba tướng Quán Thế Âm. Trong đó, có nhiều hình tướng không được tìm thấy trong các điển tịch của đời Đường. Tuy nhiên, trong bộ sưu tập này có hình tướng Dương Liễu Quán Âm, đến ngày nay ảnh hưởng sâu rộng. Như đã nói trên, hình tượng Quán Âm cầm tịnh bình và nhành dương xuất hiện khá muộn vào thời Tùy (bích họa ở Đôn Hoàng). Tác phẩm “Giác Thiền Sao” của Nhật Bản cũng có đề cập Quán Âm tay trái cầm nhành dương, tay phải cầm táo bình, tương cận với bức họa đời Tùy. “Giác Thiền Sao” lý giải hình tượng nhành dương biểu hiện cho Tuệ, tịnh thủy biểu trưng cho Định. “Giác Thiền Sao” được viết vào năm 1145 Công Nguyên, lúc đó tại Trung Hoa là thời Nam Tống.

Vào thời Đường, Phật giáo Mật tông thịnh hành, Quán Thế Âm theo các pháp hành trì Mật tông có khả năng xua đuổi bệnh tật, khu trừ tinh quỷ, liên quan mật thiết đến nhành dương. Một điều thắc mắc rằng giai đoạn Lục Triều, kinh Phật không nhấn mạnh đến khả năng tiêu trừ bệnh tật, không mô tả việc Quán Âm cầm nhành dương và tịnh bình, nhưng đến Đường lại thịnh hành. Như trong bản “Phật Thuyết Thất Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh’ của Địa Bà Ha La dịch vào đời Đường đề cập: Có pháp, ở trước người bệnh, vẽ hình tượng bịnh nhơn, tụng thần chú trong nhánh dương liễu mà đánh nơi hình vẽ ấy cũng được lành bịnh. Có pháp, nếu người bịnh quỉ ở xứ xa, nên chú nguyện trong nhánh dương liễu đủ 7 biến, gửi người cầm đem về đánh người bịnh tức lành. Vốn dương chi tịnh bình với người Ấn có liên quan đến việc vệ sinh cá nhân hoặc dâng hiến tỏ lòng thành, không liên quan gì việc chữa bệnh, trừ ma. Việc dùng cành dương để đuổi ma, trị bệnh, phần lớn khả năng do bị ảnh hưởng bới tục lệ của người Hoa Hạ và Đạo giáo.

Niềm tin về Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn trong Đạo giáo tồn tại từ thời Lục Triều. Trong “Chính Thống Đạo Tạng” và Đôn Hoàng hiện có, những tác phẩm kinh điển liên quan đến việc Cứu Khổ Thiên Tôn độ thoát u khổ vốn nhiều, có thể kể đến “Thái Thượng Từ Bi Đạo Tràng Tiêu Tai Cửu U Sám ” mười quyển do Cát Huyền soạn vào thời Ngô (Tam Quốc), cho thấy niềm tin về Thái Ất Cứu Khổ xuất hiện khá sớm. Kế đó theo dòng thời gian và lịch sử phát triển của Đạo giáo, có thể kể đến các bản văn như “Thái Thượng Từ Bi Cửu U Bạt Tội Sám ” mười quyển, “Thái Thượng Đỗng Huyền Linh Bảo Chuyển Thần Độ Mệnh Kinh ” một quyển, “Thái Thượng Đỗng Huyền Linh Bảo Nghiệp Báo Nhân Duyên Kinh ”, “Đỗng Huyền Linh Bảo Tam Đỗng Phụng Đạo Khoa Giới Doanh Thủy ”…

Sự khác biệt giữa Cứu Khổ Thiên Tôn và Quán Thế Âm ở điểm Quán Âm phần lớn tập trung vào việc cứu độ người sống, trong khi Thái Ất lại có nhiệm vụ bao quát cả Thiên đường, U phủ và Nhân gian. “Thái Nhất Cứu Khổ Hộ Thân Diệu Kinh” có mô tả việc hình tượng Thiên Tôn có cành dương và tịnh bình, đồng thời lễ vật dâng lên Thái Ất để cứu khổ còn bao gồm “柳枝淨水,時花藥苗,如法供養” - “liễu chi tịnh thủy, hoa mùa cây thuốc, cung dưỡng như pháp” cho thấy mối quan hệ mật thiết của nhành liễu, tịnh thủy với Cứu Khổ Thiên Tôn. Nhành liễu và tịnh thủy trong Đạo giáo không giống Phật giáo. Nếu nhành dương và tịnh bình của Phật giáo ban đầu là việc giữ sạch sẽ cá nhân và tỏ lòng tôn trọng thì với Đạo giáo, dương chi tịnh thủy tương tự như một loại thần thủy, có công hiệu tuyệt diệu vì tự thân nó đã chứa tràn khắp ân điển Đại Đạo và hiện diện tựa như một loại phù có thể xua đuổi quỷ ma, trị liệu bệnh tật. Việc sử dụng thủy pháp của Đạo giáo bắt đầu từ những thuật phù thủy của tín dân gian cuối thời Chiến Quốc và đầu Tây Hán. “Ngũ Thập Nhị Bệnh Phương” là một quyển sách lụa khai quật từ mộ Hán Mã Vương Đôi đã có đề cập đến thủy pháp, kết hợp với bùa chú để chữa bệnh, trừ tà. Về sau, Đạo giáo có quyển “Thái Thượng Xích Văn Đỗng Thần Tam Lục”, “Hoàng Đế Thái Nhất Bát Môn Nghịch Sinh Tử Quyết” cũng đề cập đến việc họa phù, tụng chú, phún nước mà chữa bệnh.

Tịnh bình dương chi ban đầu là dụng cụ làm sạch răng ở ấn Độ. Quán Thế Âm trong Phật kinh giai đoạn đầu, đến trước thời Đương không đề cập đến việc cứu người bệnh, lại càng không dùng nhành dương để chữa bệnh. Việc chuyển đổi dương chi tịnh bình từ việc làm sạch răng, tẩy uế thành pháp thần dược để trị bệnh có thể nói là chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hoa Hạ, trong đó có cả Đạo giáo vậy!

Ý kiến của bạn
  • Hỗ trợ
    0935.118.118
    0968.488.488
     
  • Bảng giá
  • Yêu cầu tư vấn